Tăng trưởng kinh tế của Anh trở lại mức trước khủng hoảng

Tăng trưởng GDP của Anh trong quý 2 vừa qua đạt 0,7%, cho thấy cuộc sống của người dân tại Vương quốc Anh đang trở lại mức trước khủng hoảng.
Tăng trưởng kinh tế của Anh trở lại mức trước khủng hoảng ảnh 1Công trình xây dựng ở trung tâm thủ đô London. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại London, Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS) ngày 28/7 cho biết tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý ​2 vừa qua đạt 0,7%, tăng 0,3% so với quý trước đó.

Tốc độ tăng trưởng này phù hợp với dự báo của giới chuyên gia tài chính ở London, đồng thời cũng có những dấu hiệu cho thấy cuộc sống của người dân tại Vương quốc Anh đang trở lại mức trước khủng hoảng.

GDP tính trên đầu người ở Anh hiện ngang bằng với quý 1 năm 2008, thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng ngân hàng khiến nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái.

Số liệu của ONS cho thấy dịch vụ là lĩnh vực đóng góp chính vào tăng trưởng của Anh trong quý ​2, với mức tăng 0,7%.

Trong khi đó, sản lượng xây dựng giữ nguyên mức, còn sản lượng chế tạo và sản lượng nông nghiệp lần lượt giảm 0,3% và 0,7% so với quý trước đó.

Tốc độ tăng trưởng GDP trong quý​ 2 đã làm nóng cuộc thảo luận về thời điểm tăng lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,5% suốt từ tháng 3/2009 đến nay. Trước đó trong tháng này, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Mark Carney cho biết thời điểm tăng lãi suất đang đến gần hơn.

Dự kiến, Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC) thuộc BoE sẽ họp đánh giá về lãi suất vào ngày 6/8 tới, song giới chuyên gia nhận định sẽ có sự chia rẽ giữa 9 nước thành viên MPC về thời điểm điều chỉnh lãi suất.

Nhà kinh tế James Knightley thuộc Tập đoàn ngân hàng ING dự đoán có thể sẽ có 2 thành viên MPC ủng hộ tăng lãi suất trong tháng Tám, trong khi số đông thành viên còn lại ủng hộ thực hiện việc này vào tháng Hai năm sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.