Thời gian qua, việc Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và nông sản tiếp cận cũng như thâm nhập vào các thị trường mới.
Tuy nhiên, để có hướng đi cụ thể và bền vững, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương định hướng thay đổi phương thức xuất khẩu và tìm thị trường mới cho các mặt hàng nông sản Việt Nam.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về xúc tiến thương mại cũng như giải pháp để khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu.
- Xin Bộ trưởng cho biết việc quảng bá, xúc tiến các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam tại các thị trường mới được Bộ Công Thương triển khai như thế nào?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thời gian qua, việc Việt Nam ký kết các FTA đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam tiếp cận cũng như thâm nhập vào các thị trường mới.
Đây là những bước đi, lộ trình rất cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng.
Tuy nhiên, để nông sản Việt Nam tham gia sâu hơn các chuỗi giá trị toàn cầu, bên cạnh những nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường ở tầm vĩ mô giúp nông sản Việt Nam tận dụng được cơ hội theo cam kết cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế nhập khẩu của các thị trường này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển ngoại thương cũng như đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh hai thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc và Hoa Kỳ, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Australia, Canada. Hơn nữa, việc phát triển thị trường xuất khẩu mới được tiến hành theo cả chiều rộng về không gian địa lý và chiều sâu về phân khúc sản phẩm.
Tuy vậy, ngoài việc duy trì vị thế đồng thời khai thác thêm dư địa tại các thị trường truyền thống, vươn tới các khu vực thị trường xa như Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ Latinh, cần có chiến lược xúc tiến cho phân khúc các mặt hàng nông sản cao cấp, sản phẩm mới theo xu hướng xanh, sản phẩm hữu cơ tại những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe nhưng có mức tiêu thụ và chi trả cao hơn.
Do đó, Bộ Công Thương đã tập trung huy động nguồn lực trong và ngoài nước để hỗ trợ ngành nông sản trong khuôn khổ các chương trình lớn như Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam cũng như dự án hợp tác quốc tế và các hoạt động xúc tiến thương mại khác.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp đã từng bước khai thác các cơ hội từ các thị trường đã có FTA, củng cố và tăng cường sự hiện diện của sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường truyền thống, đồng thời tiếp tục quay trở lại thị trường Liên bang Nga, các nước Đông Âu, tăng cường hoạt động tại thị trường các nước trong khu vực châu Á và một số nước Trung Đông, châu Phi.
Đặc biệt, nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại cho ngành nông nghiệp do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh truyền thông và chủ động ứng dụng vào các hoạt động xúc tiến thương mại theo hình thức trực tuyến. Nhờ đó, việc kết nối các nhà nhập khẩu, nhà phân phối với các doanh nghiệp không bị gián đoạn, đứt gãy.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn đẩy mạnh phối hợp với các dự án quốc tế, các tổ chức nước ngoài xây dựng chiến lược cho các ngành hàng và nâng cao năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp.
Những chương trình này đã và đang hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp nông sản, thực phẩm trong hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp thị xuất khẩu và phát triển thương hiệu trên thị trường quốc tế.
- Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng đi cùng cạnh tranh ngày càng gay gắt, Bộ Công Thương sẽ có giải pháp gì để giúp khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Nhằm khai thác tối đa các thị trường xuất khẩu, tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại thích hợp, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản, tận dụng lợi thế khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng các đơn vị liên quan triển khai đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại tiếp cận mở rộng thị trường xuất khẩu, ưu tiên triển khai các đề án cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm.
Mặt khác, Bộ cũng tăng cường tuyên truyền phổ biến thông tin về cơ hội xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường châu Á-Thái Bình Dương, EU, ASEAN, Australia, New Zealand… các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản nhằm khai thác và tận dụng hiệu quả lợi ích mang lại từ các hiệp định.
[Nông sản Việt ra thị trường thế giới: Nâng cao năng lực thích ứng]
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ hợp tác chặt chẽ với bộ, ngành và địa phương triển khai có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp, giúp người nông dân đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa với sản lượng lớn và giá trị gia tăng cao hơn tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Đặc biệt, Bộ sẽ tiến hành gia tăng số lượng, quy mô và kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các chương trình trung và dài hạn hướng vào một mặt hàng, một thị trường cho tới khi đạt kết quả cụ thể; chủ động lựa chọn nhóm hàng, mặt hàng nông sản có thế mạnh, tiềm năng xuất khẩu, dành ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy mạnh xúc tiến thương mại theo chuỗi.
Không những thế, bộ sẽ ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại trên các nền tảng kỹ thuật số; chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu…
- Để đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường EU qua thực hiện Hiệp định EVFTA, xin Bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương có đề xuất gì trong sản xuất và tiêu thụ nông sản?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việt Nam đang bước vào các giai đoạn hội nhập sâu rộng và sẽ tiếp tục thực thi nhiều cam kết có chiều sâu với mức độ cao hơn trước.
Cùng với các cơ hội, việc thực thi các FTA thế hệ mới cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng theo dõi sát, cập nhật, tổng hợp thông tin thị trường trong và ngoài nước đối với nông sản để tìm kiếm thị trường có tiềm năng xuất khẩu.
Không chỉ vậy, Bộ còn cung cấp cho các địa phương để nghiên cứu, phối hợp tổ chức sản xuất, cơ cấu sản phẩm hợp lý, định hướng điều chỉnh quy hoạch các ngành hàng chiến lược, đáp ứng tín hiệu của thị trường.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiến hành triển khai những công việc cần thiết để thực thi và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích các FTA như nội luật hóa các cam kết, nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Mặt khác, chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch của các nước nhập khẩu kịp thời thông tin cho các bộ, ngành, địa phương để đấu tranh có hiệu quả với các rào cản kỹ thuật, thương mại bất hợp lý đối với nông sản chủ lực.
Bên cạnh việc khai thác các thị trường xuất khẩu mà Việt Nam có FTA, việc đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành nông nghiệp trong nước trước sức ép của hàng hóa nhập khẩu cũng sẽ được thúc đẩy.
Đặc biệt, bộ cũng tiếp tục đổi mới toàn diện về xúc tiến thương mại theo hướng tăng tỷ trọng của các hoạt động có tác dụng lâu dài; hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại nhằm tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông các sản phẩm nông sản chủ lực.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đang làm việc với các đơn vị chức năng về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản, thủy sản xuất khẩu; lập cơ sở dữ liệu về các biện pháp an toàn thực phẩm tại các thị trường xuất khẩu chính, công bố để các doanh nghiệp tham khảo.
Ngược lại, bên cạnh những hỗ trợ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về các xu thế và đặc điểm trong thương mại tự do (FTAs); nghiên cứu và thực hiện tốt văn bản hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU; tra cứu tài liệu, thông tin cập nhật về Hiệp định, cơ hội thị trường tại trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương. Doanh nghiệp cần liên hệ trực tiếp Bộ Công Thương nếu có thắc mắc trong quá trình tận dụng, thực thi.
Đặc biệt, hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước theo FTAs sẽ được lựa chọn thuế suất ưu đãi, tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý đến việc đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ theo từng cơ chế.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngay trên “sân nhà."
Hơn nữa, doanh nghiêp có sự tự giác thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc; xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, duy trì và đa dạng hóa được thị trường.
Đáng lưu ý, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện “chuỗi giá trị” từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ và tiêu chuẩn cao của các FTAs đối với các mặt hàng nông nghiệp.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần nâng cao trách nhiệm xã hội, chú ý đến vấn đề phát triển bền vững của các FTAs cũng như chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.