Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phân tích quan điểm của Đảng và các nội dung của Nghị quyết về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 5/12, tiếp tục chương trình Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.”

Tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã dành thời gian thảo luận và thống nhất cao ban hành Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” (Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương).

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã tập trung phân tích quan điểm của Đảng và các nội dung của Nghị quyết về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

Đảm bảo thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng

Nêu quan điểm của Đảng về đổi mới phương thức lãnh đạo, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết phương thức lãnh đạo của Đảng chính là phương pháp, cách thức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động của hệ thống chính trị để đảm bảo thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định phương thức lãnh đạo của Đảng đó là Đảng lãnh đạo, bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên.

[Hội nghị Trung ương 6: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng]

Đặc biệt, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực, phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; đồng thời yêu cầu "Đảng thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo.”

Trong phần công tác xây dựng Đảng, Nghị quyết các Đại hội Đảng đều có nội dung, yêu cầu về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tại Nghị quyết Đại hội X có nêu: "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải đồng bộ với đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới kinh tế," "nghiên cứu, tổng kết, tiếp tục làm rõ quan điểm về Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền, làm cơ sở để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng một cách cơ bản, toàn diện."

Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 15 (2007) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Đến Đại hội XIII, Đảng xác định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng.

Góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng

Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, một trong những nội dung trọng tâm của Nghị quyết Trung ương 6 là đánh giá 15 năm việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30/7/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ảnh 2 Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai truyền đạt chuyên đề tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Cụ thể, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng được nâng cao. Bảo đảm thực hiện đúng cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.”

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng được tăng cường, từng bước khắc phục tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng. Chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên, việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ của Đảng vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ngày càng chặt chẽ.

Công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 365 tổ chức đảng, 56 đảng viên; Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 48 tổ chức đảng, 5.527 đảng viên.

Đặc biệt, việc đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực cầm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và trên các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị vẫn còn một số tồn tại hạn chế, như một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng không khả thi; mô hình tổng thể của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh; chưa phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong Đảng chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

6 giải pháp trọng tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Với mục tiêu nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới, Nghị quyết Trung ương 6 đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ảnh 3Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến ở thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

6 nhiệm vụ, giải pháp gồm đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.

Trong các giải pháp trên, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh đến giải pháp tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng.

Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, việc đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản của Đảng cần phải theo hướng đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tính dự báo cao, bám sát thực tiễn.

Chỉ ban hành văn bản mới khi thật sự cần thiết. Đối với những văn bản quan trọng, tác động sâu rộng, trước khi ban hành cần lấy ý kiến của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục