Tạo cơ chế đột phá cho ba đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt

Nhiều đại biểu cho rằng cần thiết ban hành Luật, tạo cơ chế chính sách vượt trội, đột phá không chỉ cho ba đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt mà còn cho ba tỉnh và cả nước.
Tạo cơ chế đột phá cho ba đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt ảnh 1Toàn cảnh phiên thảo luận. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 23/5, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật để thể chế hóa kịp thời các Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ chế chính sách vượt trội, đột phá, tạo cực tăng trưởng mới không chỉ cho ba đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt mà còn cho ba tỉnh và cả nước.

Việc ban hành Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là chiến lược phát triển kinh tế phù hợp cho mục tiêu định hướng với những ngành nghề ưu tiên, có lợi thế vượt trội; là bước đột phá cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt là vấn đề mới và khó, chưa có tiền lệ tại Việt Nam nên khi xây dựng phải thận trọng, cập nhật với thông lệ quốc tế.

Nhiều ý kiến cho rằng việc quy định trong dự án Luật về quy hoạch đặc khu, trong đó có các nội dung về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý tại đặc khu, đồng thời cũng phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Nội dung về quy hoạch đặc khu trong dự án Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ vị trí, tính chất của quy hoạch đặc khu là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, mỗi đặc khu chỉ có một quy hoạch tổng thể, được xây dựng phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, có tính kết nối với các quy hoạch khác trong hệ thống quy hoạch quốc gia; bổ sung các yêu cầu mang tính đặc thù đối với nội dung của quy hoạch đặc khu, trong đó bao gồm phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, các khu chức năng; đồng thời, quy định rõ thẩm quyền, trình tự lập.

["Việc gì Chủ tịch đặc khu cũng ký sẽ không có thời gian lo việc lớn"]

Đối với ngành, nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu, nhiều ý kiến nhận định các ngành, nghề ưu tiên phát triển tại từng đặc khu đã được Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc thận trọng trên cơ sở đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của từng đặc khu. Đây là nội dung quan trọng, xuyên suốt, thể hiện mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển của từng đặc khu, là căn cứ để xác định và thực hiện các chính sách ưu đãi và chính sách khác, do đó, cần được quy định rõ trong dự án Luật thể hiện sự minh bạch, ổn định, nhất quán về cơ chế, chính sách phát triển đặc khu, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho nhà đầu tư. Một số ngành, nghề được định hướng ưu tiên phát triển ở cả ba đặc khu là cần thiết nhưng cần bảo đảm nguyên tắc tránh dàn trải, ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm để phát huy lợi thế của từng đặc khu.

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị tại hội trường. Sau đó, các đại biểu làm việc tại tổ, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch và dự án Luật Trồng trọt.

Cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, các đại biểu tán thành với sự cần thiết của dự án Luật, nhằm tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030.

Nhiều ý kiến đánh giá về cơ bản, các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch của các Luật nêu trên đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản của các Luật có liên quan để bảo đảm đúng mục tiêu của việc sửa đổi đồng bộ với Luật Quy hoạch.

Đánh giá cao Chính phủ trong việc xây dựng một số điều liên quan đến Luật Quy hoạch, một số ý kiến cho rằng chỉ nên sửa đổi, bổ sung những điều mang tính kỹ thuật, để bảo đảm đồng bộ. Đồng thời, đây là dự án Luật được thông qua tại một kỳ họp nên Quốc hội cần thận trọng, nhất là trong trường hợp vừa qua có một số Luật được ban hành nhưng không có chất lượng.

Tạo cơ chế đột phá cho ba đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy phát biểu ý kiến. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Liên quan đến dự án Luật Trồng trọt, các đại biểu thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị tên gọi của Luật là Trồng trọt vì bao quát được các nội dung quy định trong Luật, vừa thể hiện định hướng phát triển ngành trồng trọt theo chuỗi khép kín, từ khâu giống, phân bón, canh tác đến thu hoạch, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm trồng trọt.

Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát một số nội dung trong dự án Luật chưa thực sự phù hợp với Luật Phí và lệ phí, Luật Hải quan, Luật Dự trữ Quốc gia...; quy định rõ hơn về lộ trình xây dựng, ban hành đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để kiểm soát được chất lượng giống, chất lượng phân bón; việc bảo tồn, khai thác, sử dụng vật liệu nhân giống cây trồng, đặc biệt là nguồn gen quý hiếm, bản địa đem lại lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trồng trọt.

Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần cụ thể hóa tối đa các điều, khoản còn quy định giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; rà soát, chỉnh sửa một số quy định trong dự án Luật cho phù hợp với thực tế để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật và khả thi khi Luật được ban hành.

Đồng thời, các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về các lĩnh vực trồng trọt, đất đai, canh tác... Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất dự án Luật cần quy định rõ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp giống chính thức, tránh tình trạng sản phẩm trồng ra nhưng không mang lại lợi ích; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đất đai, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... để đầu ra của sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo chương trình, sáng 24/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục