Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ điều chỉnh quá trình phát triển đô thị

Chủ tịch Quốc hội nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng dự án Luật và chỉ rõ, quản lý phát triển đô thị là yêu cầu bức thiết đối với Việt Nam trong điều kiện đô thị hóa diễn ra nhanh chóng hiện nay.
Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ điều chỉnh quá trình phát triển đô thị ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, chiều 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý phát triển đô thị.

Cần thiết ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ, sau hơn 30 năm đổi mới, tiến trình đô thị hóa của Việt Nam đã từng bước gắn kết với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Bộ mặt đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, chất lượng sống của người dân đô thị từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như chất lượng đô thị chưa cao, việc triển khai đầu tư phát triển đô thị dàn trải, nguồn lực cho phát triển đô thị còn thiếu, chưa đa dạng.

“Từ những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển đô thị thời gian qua và sự thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ của các quy định pháp luật về phát triển đô thị đã đặt ra yêu cầu phải khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm điều chỉnh tổng thể quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam, đưa đô thị Việt Nam phát triển bền vững theo quy hoạch,” Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị gồm 7 chương với 66 điều; quy định về quản lý phát triển đô thị gồm quản lý hệ thống đô thị; phát triển đô thị theo quy hoạch; đầu tư phát triển đô thị; nguồn lực tài chính phát triển đô thị; quản lý Nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong phát triển đô thị.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật; cho rằng dự án Luật Quản lý phát triển đô thị đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết thực tiễn, kết quả rà soát các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm có tính ổn định trong thực tiễn, quy định chi tiết hơn những điều, khoản về nguyên tắc áp dụng để giảm các điều giao Chính phủ quy định.

[Cần công bố công khai các hiện tượng thất thoát, lãng phí]

Nhiều ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật, nhất trí về sự cần thiết nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý phát triển đô thị nhằm tạo lập cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ, điều chỉnh tổng thể quá trình phát triển bền vững đô thị tại Việt Nam.

Ngoài ra, đây cũng là một bước để cụ thể hóa, hiện thực hóa Tuyên bố Đà Nẵng của Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017 về thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, phát triển bao trùm, trong đó ghi nhận nhu cầu đô thị hóa cần hướng tới người dân, hợp lý và bền vững. Tuy nhiên, về phương án ban hành Luật và phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, còn có ý kiến khác nhau.

Một số ý kiến đồng tình với Tờ trình và dự thảo Luật do Chính phủ trình, tuy nhiên đề nghị tiếp tục rà soát nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp với các luật liên quan; đề nghị bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong phát triển đô thị quy định tại Điều 1 về Phạm vi điều chỉnh; làm rõ nội hàm về hoạt động phát triển đô thị quy định tại Điều 2.

Theo đó, tách bạch các quy định về quy hoạch đô thị (có tính chất kỹ thuật, quy định về trình tự, thủ tục việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị) và các quy định về quản lý phát triển đô thị (điều chỉnh việc quản lý hệ thống đô thị, phát triển đô thị theo quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị, nguồn lực tài chính phát triển đô thị).

Trong khi đó, nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu xây dựng 1 dự án Luật chung có phạm vi điều chỉnh bao quát cả các nội dung của dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị và các quy định của Luật Quy hoạch đô thị vì trong phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch đô thị hiện hành đã có nội dung quản lý phát triển đô thị.

Luật này cũng dành 1 chương (chương V) quy định về tổ chức thực hiện và Quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch. Theo đó, dự án Luật mới sẽ điều chỉnh cả nội dung quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt trong hoạt động quản lý đô thị.

Trên cơ sở này, Chính phủ sẽ phải nghiên cứu chỉnh sửa theo hướng chuyển toàn bộ các nội dung của Luật Quy hoạch đô thị vào dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị và bãi bỏ Luật Quy hoạch đô thị; hoặc không ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị mà sửa đổi một cách toàn diện Luật Quy hoạch đô thị hiện hành, bổ sung những nội dung mới như đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, đô thị xanh, thông minh…

Việc sửa đổi toàn diện như vậy sẽ hạn chế sự trùng lặp trong hệ thống pháp luật đồng thời bảo đảm tính khả thi và có tác động tích cực đối với công tác quản lý phát triển đô thị.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đánh giá, mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm và đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo Chính phủ để có phương án điều chỉnh hợp lý, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét.

Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng dự án Luật và chỉ rõ, quản lý phát triển đô thị là yêu cầu bức thiết đối với Việt Nam trong điều kiện đô thị hóa diễn ra nhanh chóng hiện nay.

Tuy nhiên, dự thảo Luật cần phân biệt rõ đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh; làm rõ nội hàm, phân định yếu tố đặc thù của quản lý, phát triển đô thị; đánh giá mối tương quan của luật này với các luật khác để tránh trùng lặp.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ban soạn thảo làm rõ các khái niệm: chiến lược phát triển đô thị, quy hoạch hệ thống đô thị quốc gia, chương trình phát triển từng đô thị…

Ngoài ra, vấn đề thủ tục hành chính trong phát triển đô thị cũng cần phải rà soát nhằm tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương, thuận lợi cho quá trình đầu tư phát triển đô thị.

Đề cập đến tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận xét, dự án Luật có liên quan đến nhiều đạo luật khác, vì vậy cơ quan soạn thảo phải báo cáo cụ thể về những đạo luật có liên quan; những tác động của Luật khi được ban hành.

Dẫn chứng về những bất cập trong thu hồi đất đô thị đã phát sinh vấn đề khiếu kiện phức tạp hay xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, đường đắt nhất hành tinh…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, dự án Luật cần có quy định cụ thể về vấn đề thu hồi đất trong phát triển đô thị, tạo chuyển biến thực sự để đô thị phát triển.

Khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật, tuy nhiên Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn quản lý đô thị là vấn đề lớn, song dự án Luật được xây dựng chỉ có 66 điều thì đã đủ bao quát toàn diện được các vấn đề về quản lý, phát triển đô thị chưa?

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng nêu lên hàng loạt vấn đề lớn trong thực tiễn phát triển đô thị mà dự án Luật chưa đề cập đến như quản lý, phát triển giao thông đô thị; chỉnh trang đô thị; vệ sinh công cộng, thu gom, xử lý rác thải; quản lý tên phố, số nhà…

“Luật này khi ban hành phải là cẩm nang quản lý, phát huy được nội lực để công trình đô thị vừa mang tính chất văn hóa-xã hội, vừa tạo môi trường sống tốt hơn cho người dân,” Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Tại Phiên họp, các nội dung về phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, thông minh; tiêu chí cơ bản để phân loại đô thị… cũng được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục