Đánh giá tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cần đặt trong sự cộng hưởng với các Hiệp định khác mới có thể nắm bắt được những điều kiện thuận lợi cũng như thách thức, hướng đến tạo đà đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường của Hiệp định EVFTA, tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5/3.
Cam kết sâu và có nhiều lĩnh vực mới
Thị trường EU có 28 nước thành viên và là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP khoảng 18.000 tỷ USD, chiếm 22% GDP toàn cầu. Tổng kim ngạch ngoại thương của EU gần 4.000 tỷ USD, xuất khẩu dịch vụ đứng đầu thế giới, đầu tư ra bên ngoài bằng gần 40% FDI toàn cầu và nhận 20% đầu tư từ bên ngoài.
EU là thị trường hàng đầu trong xuất khẩu và tiếp nhận đầu tư của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng trưởng ổn định với tốc độ bình quân từ 15-20%/năm. EU cũng là nhà tài trợ (ODA) lớn thứ 2 và nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. Tính từ năm 2007-2013, EU đã cung cấp 5,2 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam, trong đó có 43% là viện trợ không hoàn lại.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, chuyên gia chính dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) cho biết Việt Nam hiện đang tham gia đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do, trong đó Hiệp định EVFTA được đánh giá là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao theo tiêu chuẩn Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Theo đó, những lĩnh vực Việt Nam đã cam kết trong WTO sẽ có mức cam kết sâu rộng hơn như thương mại hàng hóa, dịch vụ, hàng rào kỹ thuật… Đặc biệt, đối với những lĩnh vực Việt Nam chưa cam kết trong WTO gồm đầu tư, mua sắm Chính phủ, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo sẽ phải đưa vào cam kết và bị điều chỉnh của Hiệp định EVFTA.
Kết quả sơ bộ của báo cáo “Đánh giá tác động bền vững của Hiệp định EVFTA do dự án EU-MUTRAP vừa công bố cho thấy, dựa trên mô hình kinh tế của nền kinh tế Việt Nam, Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ có những đặc thù nổi trội như thúc đẩy đầu tư và cải tiến công nghệ, nhờ đó dịch chuyển năng suất và tăng đầu ra.
Khu vực dịch vụ theo kỳ vọng cũng mở rộng đáng kể, góp phần là tăng hiệu suất cho toàn bộ nền kinh tế. Bên cạnh đó, các vấn đề thương mại đang được đàm phán như hải quan, thuận lợi hóa thương mại… sẽ làm tăng phúc lợi, hiệu suất cũng như cải thiện môi trường kinh doanh nói chung.
Những ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA có thể kể đến như dệt may, giày, chế biến thực phẩm… Tuy nhiên, mức độ mở rộng năng lực sản xuất của Việt Nam đóng vai trò quyết định mức tăng tổng thể về xuất khẩu có đáng kể hay không trong việc đáp ứng nhu cầu gia tăng của EU.
Đổi mới mô hình tăng trường
Theo ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm tư vấn kỹ thuật dự án EU-MUTRAP, EU ngày càng có nhiều tham vọng về phạm vi các Hiệp định ký kết, đưa vào những vấn đề như nguyên tắc xuất xứ, quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, điều khoản về công nhận chất lượng và giải quyết tranh chấp.
EU cũng công nhận giá trị của việc đề cao quy định về tính bền vững và môi trường trong các Hiệp định mà nội khối ký kết, đưa ra khung thể chế và cơ chế cần thiết lập để giám sát và rà soát quá trình thực thi Hiệp định cũng như tác động của nó đối với cả hai bên. EU mong muốn đảm bảo đầu tư sẽ tự do hóa theo những gì Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO, hải quan minh bạch, quy trình thủ tục thương mại qua biên giới hoàn thiện hơn nữa.
Kỳ vọng của Việt Nam đối với Hiệp định EVFTA là hướng đến mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư để tận dụng tốt tiến trình tự do hóa trong khu vực và nắm bắt xu hướng tự do hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
Ông Lê Triệu Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương cho rằng, đối với các FTA Việt Nam đã ký kết, hầu như chú trọng vào vấn đề cắt giảm thuế quan, thuận lợi hóa thương mại chứ chưa tập trung vào đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Khi đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA cần đặt nó trong sự cộng hưởng với các Hiệp định khác. Điển hình các quy tắc về xã hội, lao động, môi trường… khá tương đồng với nhiều nước như hướng đến xây dựng môi trường thông thoáng, đảm bảo minh bạch, cạnh tranh lành mạnh đồng thời chú trọng nhiều vào hợp tác, đối thoại, tham vấn để nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu chung.
Các chuyên gia quan ngại hàng đầu của Việt Nam là vấn đề về các biện pháp phi thuế quan (bao gồm các vấn đề SPS và TBT) mà EU đang áp dụng, do đó Việt Nam cần tham vấn nhiều hơn khi ra quyết định liên quan đến các quy tắc này, đồng thời xây dựng năng lực để hỗ trợ đáp ứng các tiêu chuẩn mới. Khung thể chế của Việt Nam cần được hỗ trợ để giới thiệu về các thủ tục của EU đến doanh nghiệp, quan tâm đến việc đàm phán Hiệp định EVFTA công nhận chung về chất lượng và tiêu chuẩn nhằm đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh xuất khẩu và khả năng cạnh tranh.
Bà Phạm Thị Lan Hương, chuyên gia Dự án EU-MUTRAP bày tỏ, Việt Nam phải tăng cường xúc tiến nhập khẩu từ EU ở các lĩnh vực máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu chất lượng… để tận dụng hiệu quả nguồn công nghệ cao.
Ngoài ra, Việt Nam cũng không nên chỉ tập trung sự quan tâm vào các lợi thế cạnh tranh từ việc giảm thuế quan khi Hiệp định EVFTA được ký kết mà nên chú trọng những tác động vào lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện năng lực sản xuất-kinh doanh, tạo việc làm để khai thác triệt để các cơ hội cũng như vượt qua thách thức./.