Tạo kênh đối thoại thực chất cho các doanh nghiệp Mỹ-Việt Nam

Ngày 1/7, tại thành phố New York (Mỹ), Bộ Tài chính Việt Nam cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các đối tác Mỹ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư.
Tạo kênh đối thoại thực chất cho các doanh nghiệp Mỹ-Việt Nam ảnh 1Bốc xếp container hàng xuất khẩu tại Cảng Sài Gòn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 1/7, tại thành phố New York (Mỹ), Bộ Tài chính Việt Nam cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các đối tác Mỹ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư.

Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích tạo kênh đối thoại thực chất giúp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Mỹ hiểu rõ hơn tình hình Việt Nam, hiểu rõ hơn chủ trương và quyết tâm đổi mới của Chính phủ Việt Nam và quan trọng nhất là củng cố lòng tin của nhà đầu tư Mỹ đối với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam, xây dựng quan hệ đối tác toàn diện và sâu rộng trong lĩnh vực tài chính vì lợi ích của hai nước.

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Phó Chủ tịch Cộng đồng Kinh doanh ASEAN-Mỹ Marc Mealy, Chủ tịch Quỹ Harbinger cùng đại diện của hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ như Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn dệt may Việt Nam, tập đoàn Citigroup, Blackstone, Warburg Pincus, Manulife Global....

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ năm 2015 vừa là cột mốc kỷ niệm, vừa là cơ hội để đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước. Năm nay cũng là năm Việt Nam và Mỹ nhìn lại chặng đường 20 năm quan hệ song phương để đánh giá những bước đi khá dài trong quan hệ song phương, đồng thời cũng thẳng thắn nhìn ra những điểm chưa thực hiện được để từ đó cùng nhau trao đổi, đưa ra những giải pháp phù hợp với mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đầu tư thương mại của hai nước, xây dựng quan hệ đối tác toàn diện và sâu rộng trong lĩnh vực tài chính, cũng như đưa sự hợp tác giữa hai Chính phủ lên một tầm quan hệ mới, vì lợi ích chung của hai bên.

Với chủ đề “Việt Nam của Tôi - Điểm đầu tư của Bạn,” hội nghị năm nay được chia làm hai phiên. Phiên đối thoại chính sách nhằm cập nhật, trao đổi chính sách và lắng nghe các ý kiến đánh giá, chia sẻ của giới đầu tư Mỹ. Thông qua đó, Chính phủ Việt Nam muốn thể hiện cam kết đặc việt đối với các nhà đầu tư Mỹ cũng như sự đánh giá cao của Chính Phủ Việt Nam đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ.

Phiên đối thoại thứ hai là không gian đối thoại giữa các doanh nghiệp với các nhà đầu tư thông qua sự chia sẻ của các doanh nghiệp Mỹ đã và đang hoạt động trên thị trường tài chính Việt Nam về những bài học thành công, cũng như sự chia sẻ của các doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư Mỹ về cơ hội đầu tư tại Việt Nam và vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó rút ra những giải pháp, góp phần tạo môi trường đầu tư lành mạnh hơn, đảm bảo sự đối xử bình đẳng, công bằng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hiện nay, Mỹ là một trong những đối tác kinh tế-thương mại-đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Tính đến tháng 2/2015, Mỹ có 729 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng nguồn vốn khoảng 11 tỷ USD, đứng thứ 7 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Quy mô vốn bình quân một dự án của Mỹ khoảng 15,35 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 14,3 triệu USD/dự án.

Những con số trên cho thấy các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ đã rất quan tâm, đóng góp và có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế và tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tư gián tiếp của Mỹ vào Việt Nam hiện nay còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của các nhà đầu tư Mỹ và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam. Do vậy, mảng thị trường vốn Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư Mỹ.

Với xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng trong phạm vi khu vực và trên toàn thế giới, trên nền tảng hợp tác toàn diện được xây dựng phát triển trong 20 năm qua, hy vọng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới sẽ tiếp tục có sự bứt phá mạnh mẽ cả về lượng và chất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.