Tạo liên kết chặt chẽ khi xuất khẩu sang thị trường Hà Lan

Sau khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, xuất khẩu sang thị trường Hà Lan đã tăng mạnh, cụ thể thủy sản tăng 20,2%; hạt tiêu tăng 20,9%; cao su tăng 11,9% và đặc biệt là gạo tăng tới 83,7%.
Tạo liên kết chặt chẽ khi xuất khẩu sang thị trường Hà Lan ảnh 1Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Minh Phu Seafood Corp tại Khu công nghiệp Nam Sông Hậu (Hậu Giang). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bộ Công Thương cho biết, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như thủy sản, hạt tiêu, cao su và gạo sang Hà Lan tăng mạnh.

Thống kê cho thấy, sau khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, xuất khẩu thủy sản đã tăng 20,2%; hạt tiêu tăng 20,9%; cao su tăng 11,9% và đặc biệt là gạo tăng tới 83,7%.

Trước đó, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng này đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hạt điều và càphê trong 4 tháng sau khi Hiệp định có hiệu lực giảm chủ yếu do Hà Lan đã đẩy mạnh nhập khẩu thời gian trước đó.

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Hà Lan từ lâu đã được coi là cửa ngõ để vào thị trường EU, nơi trung chuyển hàng hóa hàng đầu châu Âu và thế giới, nhất là với các mặt hàng rau, củ, quả.

Chính vì vậy, Hiệp định EVFTA đã là đòn bẩy tạo thêm nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan.

[Cơ hội thu hút đầu tư và phát triển kinh doanh Việt Nam-Hà Lan]

Nhận định về vấn đề này, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan nhấn mạnh, Hà Lan là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam trong EU. Hiện tại có tới hơn 20% rau quả tươi do các nước đang phát triển cung cấp cho EU thông qua Hà Lan.

Từ cảng Rotterdam, điểm nhập khẩu chính, các thương nhân Hà Lan và quốc tế sẽ phân phối sản phẩm đến nhiều nước EU khác.

Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, mặc dù Việt Nam có điều kiện thiên nhiên ưu đãi nên nông sản mang lại chất lượng cao nhưng việc liên kết giữa phần sản xuất và các khâu trong chuỗi cung ứng, nhất là khâu sau thu hoạch, hậu cần, logistics… còn yếu.

Trong khi đó, tại Hà Lan để có một chuỗi cung ứng thì từ khâu đầu là nông dân đến khâu cuối là tiêu thụ luôn liên kết khá chặt chẽ. Thế nhưng, điều này lại chưa được doanh nghiệp Việt ứng dụng trong những sản phẩm hay chuỗi cung ứng cũng như phương thức xuất khẩu của Việt Nam.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng nông sản sang thị trường Hà Lan nói riêng và EU nói chung, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của thị trường.

Hơn nữa, doanh nghiệp cần tích cực tham gia nhiều hơn vào các triển lãm quốc tế về nông sản để tiếp cận, tìm đối tác với mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như thay đổi nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm, từ việc kiểm tra sản phẩm cuối cùng sang giám sát các mối nguy trong toàn bộ chuỗi sản xuất.

Ngoài ra, nhằm khai thác tối đa cơ hội từ EVFTA mang lại, các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp tham gia các hội nghị giao thương trực tuyến. Bởi đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp tiếp cận thị trường Hà Lan cũng như EU, từ đó thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường tiềm năng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.