Tạo môi trường đầu tư thuận lợi ở Đồng Nai: Tăng hợp tác đầu tư

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai tiếp tục quan tâm đón nhận nguồn vốn FDI, thu hút các dự án công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch.
Tạo môi trường đầu tư thuận lợi ở Đồng Nai: Tăng hợp tác đầu tư ảnh 1Công nhân hoàn thiện linh kiện giảm chấn băng cao su kỹ thuật cao tại nhà máy của Công ty TNHH Tương Lai tại Đồng Nai. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Với 44 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 33 tỷ USD, tỉnh Đồng Nai là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Ngoài việc tận dụng các yếu tố khách quan, chính quyền tỉnh luôn đổi mới, tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng thời, Đồng Nai có chủ trương phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường, ưu tiên những dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường và sử dụng ít lao động.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai tiếp tục quan tâm đón nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các dự án công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Qua đó, tỉnh tăng cường hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích hài hòa, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư cho doanh nghiệp.

Thu hút đầu tư công nghệ cao

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết thời gian tới, tỉnh có định hướng thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc các lĩnh vực: công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ hiện đại, ít thâm dụng lao động, lĩnh vực thương mại dịch vụ, logistics...

[Tỉnh Đồng Nai hướng tới thu hút vốn đầu tư FDI có chọn lọc]

Tỉnh phải có sẵn quỹ đất công nghiệp lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, công khai, minh bạch quy hoạch tỉnh, nhất là huyện Long Thành (khu vực xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành), huyện Nhơn Trạch, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa.

Tỉnh cũng đang tập trung lập quy hoạch chung của tỉnh, quy hoạch 1/2000, đồng thời được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung 6.500 ha vào quỹ đất khu công nghiệp. Đây là tiền đề để Đồng Nai kêu gọi đầu tư theo đúng chủ trương của tỉnh.

Hiện tỉnh Đồng Nai đã thành lập 32 khu công nghiệp; trong đó có 31 khu công nghiệp đang hoạt động, Khu công nghiệp Công nghệ cao Long Thành đang trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục về đất đai để xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, có nhiều khu công nghiệp đang tiến hành mở rộng như Amata, Giang Điền, Hố Nai, Sông Mây, Ông Kèo, Định Quán…

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đánh giá, đầu tư vào các khu công nghiệp của Đồng Nai rất thuận lợi vì tỉnh nằm ở khu vực đầu mối giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường thủy, đường sắt và tới đây là đường hàng không rất thuận lợi.

Hàng hóa sản xuất tại Đồng Nai có thể vận chuyển đi các địa phương khác trong cả nước và xuất khẩu sẽ rút ngắn được thời gian, chi phí vận chuyển.

Bên cạnh đó, đối với ngành nghề đầu tư của các dự án cấp mới, tỉnh Đồng Nai vẫn tập trung thu hút chọn lọc các dự án xanh, dự án phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến, công nghiệp phụ trợ. Các doanh nghiệp đầu tư dự án mới vào tỉnh đa số là thuê nhà xưởng có sẵn để sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Hoàng cho biết nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất phương án phát triển các khu công nghiệp (khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái,…) tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

Ngoài ra, đối với công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh hiện có Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành đang được triển khai của Công ty Cổ phần Đô thị Amata Long Thành, đồng thời đã chuẩn bị quỹ đất để thu hút các dự án lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.

Tính đến ngày 20/10/2022, thu hút đầu tư vốn FDI đạt khoảng 997 triệu USD, bằng 90% so với cùng kỳ và đạt 91% so với kế hoạch năm 2022; trong đó cấp mới 36 dự án với tổng vốn đăng ký 381 triệu USD.

Các dự án mới của nhà đầu tư chủ yếu thuộc các quốc gia châu Á, phần lớn vẫn là các dự án của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc. Riêng các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Đồng Nai ngày càng nhiều và dự tính trong những năm tới sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, chủ trương của tỉnh luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang đầu tư. Đây là cơ sở thu hút các doanh nghiệp biết được Đồng Nai là môi trường thuận lợi để về đầu tư.

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi ở Đồng Nai: Tăng hợp tác đầu tư ảnh 2Công nhân Công ty Daikan Việt Nam, Khu công nghiệp Amata, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Hàng năm, tỉnh tổ chức đối thoại, lấy ý kiến doanh nghiệp và coi đây là cơ hội rất quan trọng để doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc gì kiến nghị, đề xuất với chính quyền địa phương. Tùy theo từng kiến nghị, đề xuất, Ban quản lý các khu công nghiệp cùng các cơ quan chức năng, chính quyền tỉnh sẽ giải quyết theo thẩm quyền, đảm bảo hài hòa, thuận lợi cho quá trình đầu tư của các doanh nghiệp.

Công ty Cơ khí Động Lực Toàn Cầu có vốn từ Đài Loan hiện có 3 dự án đầu tư tại tỉnh Đồng Nai, dự án thứ 4 đang xây dựng là nhà xưởng cho thuê với tổng vốn 45 triệu USD tại Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí Động Lực Toàn Cầu- Nguyễn Vương Long cho biết cùng với các doanh nghiệp FDI khác đầu tư tại tỉnh Đồng Nai, công ty nhận được sự hỗ trợ rất tốt từ chính quyền địa phương trong suốt quá trình đầu tư.

Sau đại dịch COVID-19, Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu của Việt Nam thực hiện tốt việc hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động: giảm phí đóng bảo hiểm, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay tiền lãi suất thấp, hỗ trợ phòng trọ cho công nhân.

Nhờ vậy, cùng với sự nỗ lực của lãnh đạo và tập thể người lao động, chỉ sau một thời gian ngắn, Công ty Cơ khí Động Lực Toàn Cầu đã nhanh chóng trở lại hoạt động sản xuất bình thường, giúp người lao động yên tâm làm việc, ổn định đời sống.

Tại thành phố Biên Hòa, Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam đã đầu tư trong Khu công nghiệp Biên Hòa 2 từ năm 1993. Theo Phó Tổng giám đốc phụ trách ngành kinh doanh gia công C.P. Việt Nam Lê Xuân Huy, trong suốt gần 30 năm qua, mọi hoạt động của công ty đều nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện rất tốt từ chính quyền địa phương, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thời gian tới, công ty tiếp tục ổn định sản xuất và phát triển kinh doanh, đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng cao, dinh dưỡng, truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết tỉnh luôn thực hiện phương châm nhất quán chính quyền đồng hành cũng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại Đồng Nai. Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục đổi mới nhiều mặt để phục vụ doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, trong đó, trọng tâm là rút ngắn nhất thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cũng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì thực tế, các doanh nghiệp FDI khi đầu tư tại địa phương luôn cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vừa qua, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ chi phí sử dụng hạ tầng, chi phí thuê nhà xưởng tại các khu, cụm công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020-2025.

Tỉnh chủ yếu hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch mức tối đa cho một doanh nghiệp là 450 triệu đồng/năm, với quy mô diện tích sử dụng không quá 5.000m2; thành phố Long Khánh và các huyện còn lại mức tối đa là 720 triệu đồng/năm, với quy mô diện tích sử dụng không quá 8.000m2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.