Tạo sức bật cho phát triển khu kinh tế cửa khẩu Long An

Cùng với các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, việc tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông đang được coi là vấn đề cấp thiết nhằm tạo sức bật cho sự phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu Long An.
Tạo sức bật cho phát triển khu kinh tế cửa khẩu Long An ảnh 1Xe container vận chuyển hàng hóa xuất khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Trong chiến lược thu hút đầu tư, tỉnh Long An xác định khai thác tối đa hiệu quả các lợi thế, coi công nghiệp là động lực phát triển, dịch vụ logistics và đô thị sinh thái là quan trọng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chủ đạo, từ đó mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư.

Đặc biệt, Khu kinh tế cửa khẩu Long An được kỳ vọng sẽ là một điểm sáng trong thu hút đầu tư.

Vì vậy, cùng với các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, việc tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông đang được coi là vấn đề cấp thiết nhằm tạo sức bật cho sự phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu Long An.

Hội tụ nhiều thế mạnh

Khu kinh tế cửa khẩu Long An có vị trí rất đắc địa, phía Bắc giáp tỉnh Svay Rieng (Vương quốc Campuchia), phía Nam giáp sông Vàm Cỏ Tây, phía Đông giáp huyện Mộc Hóa và phía Tây giáp huyện Vĩnh Hưng, cùng thuộc tỉnh Long An.

Khu kinh tế này có lợi thế  rất lớn trong kết nối liên vùng và quốc tế thông qua các tuyến Quốc lộ 62, N1, N2 và hệ thống giao thông thủy thông qua tuyến sông Vàm Cỏ Tây, kênh Dương Văn Dương đi về các tỉnh miền Tây, kênh Thủ Thừa, sông Bến Lức, Chợ Đệm đi Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh vị trí thuận lợi, Khu kinh tế cửa khẩu Long An còn được quy hoạch nằm trên vùng nguyên liệu nông-thủy sản dồi dào thuộc khu vực Đồng Tháp Mười, nơi được xem là “vựa” nông sản của cả nước nên được đánh giá là có nhiều tiềm năng để đầu tư phát triển công nghiệp chế biến. Hơn thế, các dự án đầu tư tại đây được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định.

[Long An sẽ ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh và con tôm nước lợ]

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, để đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu, Ủy ban Nhân dân tỉnh mời gọi nhiều nhà đầu tư để nghiên cứu đầu tư phát triển hạ tầng các phân khu chức năng như khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu đô thị dân cư…

Hiện tại, đã có một số nhà đầu tư quan tâm xin đầu tư các phân khu như: khu phi thuế quan với diện tích 36,5ha và Khu công nghiệp cửa khẩu Bình Hiệp giai đoạn 1 có diện tích 168,5ha; tài trợ việc điều chỉnh Quy hoạch chung của Khu kinh tế cửa khẩu.

Gắn với Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư hạ tầng tìm hiểu, nghiên cứu, tích hợp quy hoạch các phân khu chức năng để huy động nguồn lực phát triển cho khu kinh tế cửa khẩu.

Tuy nhiên, hiện nay việc thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Long An vẫn chưa thực sự khởi sắc bởi trở ngại lớn nhất là hạ tầng giao thông. Đây cũng chính là một trong những khó khăn cơ bản trong phát triển kinh tế-xã hội vùng biên ở một số địa phương như Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhận định tại Hội nghị về phát triển kinh tế khu vực biên giới mới đây do một số nguyên nhân khách quan như: thiếu vốn cho đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông thiếu và xuống cấp… 

Gỡ “điểm nghẽn” giao thông

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, khó khăn về hạ tầng giao thông hiện là trở ngại lớn khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khi quyết định đầu tư hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh tại khu kinh tế cửa khẩu.

Tạo sức bật cho phát triển khu kinh tế cửa khẩu Long An ảnh 2Xe container vận chuyển hàng hóa xuất khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh từng bước được nâng cấp, sửa chữa tuy nhiên nhìn chung vẫn còn yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Nhiều tuyến đường quan trọng huyết mạch chưa được nâng cấp; trong đó, có Quốc lộ 62 là tuyến giao thông đặc biệt quan trọng của tỉnh và khu vực, kết nối nhiều trục giao thông chính yếu rút ngắn thời gian đi lại cho các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười như Long An, Đồng Tháp, An Giang với Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời thông thương, giao lưu với nước bạn Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp.

Tuyến quốc lộ này được đầu tư xây dựng từ năm 1999 với quy mô cấp 4 đồng bằng, nền rộng 9 m, mặt đường láng nhựa rộng 6 m hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, không thể đảm bảo nhu cầu giao thông.

Từ góc độ của doanh nghiệp đang có nhà máy tại Khu công nghiệp ở xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Long An, ông Eric Chen, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tainan Enterprises (Việt Nam) chia sẻ, là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, công ty sản xuất, kinh doanh ngành hàng may mặc. Công ty bắt đầu tổ chức sản xuất tại đây từ vào tháng 5/2017 và đến thời điểm này có trên 1.000 công nhân.

Hiện các đơn hàng cũng như nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp không gặp khó khăn. Tuy nhiên, doanh nghiệp thường xuất hàng qua cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương nên rất mong muốn có được hệ thống giao thông thuận lợi hơn.

Đặc biệt, với tuyến Quốc lộ 62 thì từ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương  xuống tới thị xã Kiến Tường chỉ có khoảng 70km nhưng đường rất xấu, phải đi mất gần 2 tiếng rưỡi mới tới.

Làm nhiệm vụ đảm bảo thông quan hàng hóa, nông sản, đảm bảo các hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt, kịp thời, ông Nguyễn Hoàng Tăng, Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp cho rằng, so với quy mô đầu tư xây dựng của ngành và quy mô kỳ vọng của cửa khẩu ở biên giới thì khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn.

Khoảng cách từ Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp đến Thành phố Hồ Chí Minh xa gấp nhiều lần so với khoảng cách từ cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đến Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Quốc lộ 62 là tuyến giao thông huyết mạch đến cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp nhưng cầu giao thông hẹp, mặt đường xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu hoặc thu hút kêu gọi doanh nghiệp đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An cho rằng, hạn chế lớn nhất hiện nay đối với việc phát triển Khu kinh tế  cửa khẩu Long An chính là hạ tầng giao thông kết nối khu vực với Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận.

Khu Kinh tế cửa khẩu Long An cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 120km, tuyến Quốc lộ 62 duy nhất kết nối khu vực này hiện đã được Bộ Giao thông Vận tải đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn để nâng cấp.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai cho giai đoạn này còn khá chậm, hạ tầng giao thông hiện hữu ngày càng xuống cấp trong khi lượng xe lưu thông ngày càng cao, gây mất an toàn giao thông. Nhất là khi Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An, Việt Nam)-Pvey Vor (tỉnh Svay Rieng, Campuchia) được thông xe theo Hiệp định liên vận giữa Việt Nam và Campuchia với lượng xe container chở hàng hóa qua cửa khẩu trung bình hàng tháng trên 1.500 xe và đang dần tăng thêm đang gây áp lực rất lớn cho hệ thống giao thông đã xuống cấp.

Ở góc độ các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Khu công nghiệp Khu kinh tế cửa khẩu Long An, ông Chen Poinen, Giám đốc nhân sự Công ty Trách nhiệm hữu hạn Victory International (Việt Nam) và ông Eric Chen, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tainan Enterprises (Việt Nam) đều kiến nghị việc đẩy nhanh đầu tư, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 62 và N2; đồng thời, hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp nhằm thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến với khu kinh tế cửa khẩu.

Các doanh  nghiệp này cho rằng, hạ tầng hoàn thiện, đảm bảo được các yêu cầu về môi trường, an toàn, lưu thông thì khi đó chính công nhân và nhà đầu tư hiện hữu sẽ là những người quảng bá, kêu gọi người lao động cũng như nhà đầu tư khác đến với Khu kinh tế cửa khẩu Long An.

Theo lãnh đạo tỉnh Long An, việc Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai việc nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối sẽ giúp khu kinh tế cửa khẩu thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư, vận chuyển hàng hóa đến khu vực này và khu vực lân cận.

Bên cạnh đó, dự án nâng cấp tuyến giao thông thủy từ Rạch Rồ đến sông Vàm Cỏ Tây với kinh phí khoảng 210 tỷ đồng do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư theo danh mục chương trình, dự án liên kết vùng tại Công văn số 3974/BKHĐT-KTĐPLT ngày 11/6/2019 cần sớm được triển khai để tạo hệ thống giao thông kết nối cả đường thủy lẫn đường bộ, tạo động lực thu hút nhà đầu tư phát triển phía đông Khu cửa khẩu Bình Hiệp qua sông Rồ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út khẳng định với kế hoạch đầu tư hạ tầng giao thông trung hạn đang dự kiến triển khai, Khu kinh tế cửa khẩu sẽ có nhiều điều kiện phát triển và sẽ là một điểm sáng trong thu hút đầu tư để phát triển kinh tế khu vực này.

Lợi thế trong kết nối giao thương với Campuchia, trung chuyển giữa Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Tây tỉnh Đồng Tháp, An Giang... sẽ giúp khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Long An thu hút được nhiều nhà đầu tư hạ tầng và thứ cấp có năng lực.

Tỉnh cũng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tìm hiểu về thế mạnh của Khu kinh tế cửa khẩu cũng như hỗ trợ thực hiện nhanh các thủ tục đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.