Chiều 17/12, Tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức Hội nghị "Xây dựng thương hiệu thời COVID-19," đồng thời thực hiện Lễ vinh danh "50 thương hiệu Việt Nam dẫn đầu 2020" tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại sự kiện, các chuyên gia cho rằng trong và sau đại dịch COVID-19, các thương hiệu một mặt củng cố và gia tăng vị thế trong tâm tưởng khách hàng hiện hữu, mặt khác cần có chìa khóa tiếp cận khách hàng hoàn toàn mới.
Đồng thời, sự kết nối thông qua mạng lưới truyền thông xã hội đã thay đổi toàn diện cách thức các thương hiệu tiếp cận người dùng.
[Thương hiệu quốc gia: Bước tiến vượt bậc của các sản phẩm Việt]
Năm 2020, đại dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát đã ảnh hưởng sâu sắc tới tất cả ngành nghề, lĩnh vực; trong đó, có cả cách thức doanh nghiệp tiếp cận khách hàng.
Đại dịch ẩn chứa nhiều bất ổn, nhưng cũng trở thành chất xúc tác thúc đẩy nền kinh tế số phát triển nhanh hơn nữa và đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi tư duy xây dựng thương hiệu sang cách thức phù hợp trong bối cảnh mới.
Liên quan đến tác động truyền thông xã hội đến các thương hiệu, ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Retail Intelligence Nielsen Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp khi xây dựng thương hiệu cần trả lời câu hỏi cho ai và vì ai, đồng thời sự khác biệt giữa các nhóm đối tượng người tiêu dùng. Với sự bùng nổ các thiết bị cầm tay thông minh, Internet ngày càng phổ cập khiến Thế hệ Z-Gen Z (thế hệ ra đời cuối thập niên 1990) chịu tác động mạnh mẽ của công nghệ.
Thế hệ Z-Gen Z giao tiếp thoải mái và kết nối rộng rãi trên mạng lưới truyền thông xã hội, trong 5 năm tới sẽ trở thành thế hệ tiêu dùng mới với tập tính tiêu dùng hoàn toàn khác so với các thế hệ trước đó.
Thế hệ này sẽ trở thành nhóm khách hàng quan trọng trong tương lai với kết nối rộng rãi trên mạng xã hội, am hiểu công nghệ và gắn bó với các thiết bị cầm tay.
Phân thích cụ thể, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết thêm những nền tảng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, Instagram… giờ là một phần tất yếu trong cuộc sống của giới trẻ. Đặc biệt, khả năng kết nối mạnh mẽ biến việc tiếp thị qua kênh mạng xã hội đang dần trở thành hình thức phổ biến trên thị trường toàn cầu. Do đó, làm sao để một thương hiệu mới có thể thu hút sự chú ý và sau đó tạo được vị thế cạnh tranh nổi bật thì cần chiếc chìa khóa là phương thức tiếp cận kỹ thuật số.
Còn bà Nguyễn Hà Thành, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội (Viettel), cho hay việc xây dựng thương hiệu nên đi lên từ lao động, hay nói cách khác doanh nghiệp cần làm được những gì mình nói, từ đó mới xây dựng được hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt khách hàng. Ngoài ra, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng và việc doanh nghiệp kinh doanh thành công rồi quay trở lại thực hiện các hoạt động xã hội là đương nhiên, nhưng trách nhiệm xã hội nên là yếu tố doanh nghiệp xem xét trong mọi quyết định kinh doanh.
Dịp này, Tạp chí Forbes Việt Nam cũng đã thực hiện vinh danh "50 thương hiệu Việt Nam dẫn đầu 2020" tại sự kiện như Minh Long I, Vinamilk, Viettel, Thế giới di động, VPBank, PNJ, Nutifood, Saigontourist, Kido, SSI, Thành thành công - Biên hòa, Duy Tân, Vissan, Biti's, Thiên Long, Việt Tiến..../.