Ngày 20/6, Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) thông báo ông Joseph Tsai - Phó Chủ tịch tập đoàn - sẽ lên thay Chủ tịch và Giám đốc điều hành (CEO) Daniel Trương vào tháng 9 năm nay.
Trong một thông báo, ông Trương cho biết đó là "thời điểm phù hợp" để thực hiện việc chuyển giao trong bối cảnh tập đoàn đang nỗ lực tách mảng điện toán đám mây để phát triển thành một đơn vị riêng của tập đoàn.
Có trụ sở ở thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang), Alibaba là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, lĩnh vực hoạt động bao gồm điện toán, thương mại điện tử, các dịch vụ logistics, truyền thông và giải trí cùng với trí tuệ nhân tạo.
Sau khi chuyển giao, ông Trương sẽ vẫn tiếp tục giữ vai trò là Chủ tịch và CEO của Alibaba Cloud Intelligence Group - công ty điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo được thành lập hồi năm 2009.
Hồi cuối tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Alibaba Group Holding thông báo sẽ chia tách tập đoàn thành sáu đơn vị gồm Cloud Intelligence Group, Taobao Tmall Commerce Group, Local Services Group, Cainiao Smart Logistics Group, Global Digital Commerce Group và Digital Media & Entertainment Group.
Đây được xem là đợt tái cơ cấu lớn nhất trong lịch sử 24 năm thành lập.
Cuộc cải tổ diễn ra sau khi nhà sáng lập Alibaba, ông Jack Ma, trở về quê hương sau một thời gian ở nước ngoài. Động thái được đánh giá là phù hợp với nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực tư nhân sau hai năm siết chặt quy định quản lý.
Các nhà phân tích cho biết việc chia tách có thể giảm bớt sự giám sát đối với "gã khổng lồ" công nghệ có hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.
[Tái cơ cấu - khởi đầu mới của "gã khổng lồ" công nghệ Alibaba]
Trong một bức thư gửi nhân viên, Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Trương cho biết mục tiêu của chương trình cải cách là làm cho tập đoàn này trở nên linh hoạt hơn, rút ngắn thời gian ra quyết định và phản ứng nhanh hơn với các diễn biến của thị trường.
Ông Daniel Trương cũng đưa ra kế hoạch cụ thể để chuẩn bị đưa một số đơn vị "lên sàn" trong 18 tháng tới.
Mặc dù quá trình tái cơ cấu trên đánh dấu một trong những cuộc tái cơ cấu quan trọng nhất trong lịch sử của Alibaba nhưng đây không phải là một bước đi hoàn toàn bất ngờ sau khi nhiều công ty Trung Quốc phải thay đổi để thích ứng với thị trường tiêu dùng, sự cạnh tranh quyết liệt và nhu cầu của cổ đông.
Đối thủ của Alibaba là JD.com đã đi theo con đường huy động vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài cho nhiều đơn vị kinh doanh khác nhau và sau đó niêm yết riêng lẻ trên thị trường chứng khoán.
Việc tái cơ cấu có thể tạo ra những cơ hội mới để Alibaba tăng trưởng và phát triển cũng như truyền nhiệt huyết mới trong một tổ chức đã trải qua những khó khăn lớn trong vài năm qua, dù cho điều đó có thể dẫn đến việc số lượng lớn nhân viên có thể bị mất công việc./.