Tập đoàn bán lẻ nước ngoài đầu tiên xin đầu tư vào Ấn Độ

Tập đoàn Tesco Plc của Anh đã trở thành nhà bán lẻ toàn cầu đầu tiên đề nghị Ấn Độ cấp phép mở cửa hàng bán lẻ tại nước này.

Tập đoàn Tesco Plc của Anh đã trở thành nhà bán lẻ toàn cầu đầu tiên đề nghị Chính phủ Ấn Độ cấp phép để mở các cửa hàng bán lẻ đa thương hiệu tại nước này, với kế hoạch đầu tư 110 triệu USD trong liên doanh với tập đoàn Tatas.

Tập đoàn Tesco đề nghị thành lập một liên doanh 50-50 cổ phần với tập đoàn Tatas của Ấn Độ để mở các cửa hàng bán lẻ tại Bengaluru (bang Karnataka) và Kolhapur (bang Maharashtra).

Mỗi tài khóa tập đoàn Tesco dự định mở từ 3-5 cửa hàng tại Ấn Độ và bán 14 loại sản phẩm, trong đó có chè, cà phê, rau, quả, sản phẩm sữa, rượu vang, rượu, hàng dệt, giày dép, đồ nội thất, đồ điện tử, đồ trang sức và sách.

Tesco hiện đã mở cửa hàng bán lẻ tại nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Ba Lan, Hungary, Ireland, Slovakia, Séc và Thỗ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu với báo giới tại New Delhi ngày 17/12, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Anand Sharma đã hoan nghênh quyết định của Tesco và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch đầu tư của Tesco.

Bộ trưởng Sharma hy vọng điều này sẽ đánh dấu một sự khởi đầu mới trong tiến trình chuyển đổi của ngành công nghiệp bán lẻ Ấn Độ. Ông tin rằng các nhà bán lẻ toàn cầu khác cũng hướng đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ Ấn Độ.

Đây là lần đầu tiên có tập đoàn nước ngoài xin cấp phép để mở cửa hàng bán lẻ tại Ấn Độ kể từ khi Chính phủ nước này cho phép 51% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bán lẻ đa thương hiệu từ tháng 9/2012.

Hồi tháng 8/2013, Chính phủ Ấn Độ cũng nới lỏng quy chế cho FDI trong lĩnh vực bán lẻ đa thương hiệu, cho phép các nhà bán lẻ đa thương hiệu toàn cầu thu mua 30% sản phẩm của họ từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương khi mới bắt đầu vào hoạt động tại Ấn Độ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.