Tập đoàn công nghiệp Bombardier của Canada vật lộn trong 'núi nợ'

Nhiều tin đồn cho rằng Bombardier đang đàm phán để bán mảng kinh doanh đường sắt cho công ty Alstom của Pháp và mảng sản xuất dòng máy bay phản lực cho Tập đoàn Textron của Mỹ để duy trì hoạt động.
Tập đoàn công nghiệp Bombardier của Canada vật lộn trong 'núi nợ' ảnh 1(Nguồn: bnnbloomberg.ca)

Dù chương trình tái cơ cấu "đầy đau đớn" chuẩn bị đi tới hồi kết, song tập đoàn công nghiệp Bombardier của Canada vẫn đang phải "gánh trên lưng" một "núi nợ" khiến hãng này có nguy cơ phải bán nốt các mảng kinh doanh cốt lõi chỉ để duy trì hoạt động.

Trong suốt nhiều tuần qua, hàng loạt tin đồn đã gây lo ngại cho các nhà đầu tư về việc Bombardier đang đàm phán để bán mảng kinh doanh đường sắt cho công ty Alstom của Pháp hoặc đối thủ cạnh tranh khác, và mảng sản xuất dòng máy bay phản lực cho Tập đoàn Textron của Mỹ.

Hôm 16/1 vừa qua, tập đoàn có trụ sở tại Montreal thông báo "đang tích cực theo đuổi các lực chọn thay thế" nhằm cho phép hãng đẩy nhanh việc thanh toán nợ.

Công ty cũng cho biết sẽ xem xét lại việc liên doanh với Airbus, sau khi bán phần lớn cổ phần trong chương trình sản xuất máy bay thân hẹp CSeries (nay đổi tên thành A220) cho hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Airbus hồi năm 2018.

Hiện Bombardier đang mắc nợ hơn 9 tỷ USD. Hơn 20% các khoản nợ sẽ đến hạn vào năm 2021, trong khi số còn lại là vào năm 2025.

Giới chuyên gia cho rằng khả năng Bombardier phải bán đi một số mảng kinh doanh là điều "không thể tránh khỏi."

[Chuyên gia cảnh báo nguy cơ kinh tế Canada suy thoái trong năm 2020]

Trong thập kỷ qua, Bombardier đã đầu tư "khoản tiền khổng lồ" để phát triển 3 dòng máy bay mới gồm CSeries, Global 7500 và Learjet85.

CSeries là dòng máy bay mới đầu tiên trong danh mục các máy bay một lối đi với sức chứa 100-150 hành khách trong hơn 25 năm qua, đưa Bombardier trở thành đối thủ của hai gã khổng lồ là Boeing (Mỹ) và Airbus của châu Âu.

Tuy nhiên, sau khi Boeing thành công trong việc kiến nghị chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm vào Bombardier nhằm ngăn chặn CSeries thâm nhập vào thị trường khổng lồ của Mỹ, công ty của Canada đã quay sang hợp tác với Airbus trong việc sản xuất CSeries nhằm tận dụng thế mạnh sản xuất và tiếp cận thị trường quốc tế của hãng sản xuất máy bay của châu Âu này.

Tuy nhiên, chiến lược "bắt tay" với Airbus của Bombardier trong việc sản xuất CSeries nhằm cạnh tranh với Boeing đã bị đánh giá rất tốn kém.

Giới chuyên gia cho rằng lẽ ra Bombardier không nên cố gắng cạnh tranh với Airbus và Boeing, cho rằng đây là "một sai lầm chiến lược nghiêm trọng."

Trong khi đó, chương trình sản xuất máy bay vận tải hạng trung Learjet85 đã bị dừng lại. Đây được xem là những nguyên nhân chính khiến giới chuyên gia nhận định 90% khoản nợ của Bombardier có căn nguyên từ các chương trình sản xuất hai dòng máy bay trên.

Tình hình tài chính khó khăn hiện tại đã buộc Giám đốc điều hành Bombardier Alain Bellemare phải thừa nhận công ty đang cận kề nguy cơ phá sản trong những năm gần đây, trước khi ông công bố kế hoạch tái cơ cấu lớn vào năm 2015, theo đó cắt giảm hàng nghìn việc làm.

Gần đây, mảng kinh doanh đường sắt của công ty đã phải nỗ lực để đảm bảo các con tàu mới được giao đúng hạn tại Canada và châu Âu.

Giờ đây tương lai của Bombardier ra sao còn phụ thuộc vào kết quả kinh doanh hằng năm dự kiến được hãng công bố vào ngày 13/2 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.