Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đi đầu trong đóng góp ngân sách quốc gia

Trong bối cảnh không thuận lợi từ việc giá dầu suy giảm kéo dài, PVN vẫn được ghi nhận là đơn vị đóng góp chủ yếu cho ngân sách quốc gia với 64.000 tỷ đồng nộp ngân sách trong chín tháng đầu năm 2016.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đi đầu trong đóng góp ngân sách quốc gia ảnh 1Cụm giàn công nghệ trung tâm số 2. (Nguồn: PVN)

Trong bối cảnh không thuận lợi từ việc giá dầu suy giảm kéo dài, tác động mạnh tới mọi hoạt động, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn được ghi nhận là đơn vị đóng góp chủ yếu cho ngân sách quốc gia với 64.000 tỷ đồng nộp ngân sách trong chín tháng đầu năm 2016.

Kết quả này cho thấy nỗ lực rất lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và ý thức vai trò, trách nhiệm đối với đất nước, với tăng trưởng GDP và nguồn thu ngân sách quốc gia của PVN.

Trong chín tháng đầu năm 2016, PVN đã vượt qua những khó khăn thách thức, bước đầu thực hiện hiệu quả các giải pháp ứng phó với giá dầu ở mức thấp kéo dài để đạt được được kết quả tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất; đảm bảo an toàn môi trường trên các công trình dầu khí và mọi mặt hoạt động; công tác bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên, đột xuất và kiểm định hiệu chuẩn được triển khai theo đúng kế hoạch, đúng quy trình, đảm bảo hệ thống công trình dầu khí hoạt động ổn định...

Cụ thể, PVN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí. Tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 21,1 triệu tấn, vượt 10,2% kế hoạch chín tháng và bằng 82,3% kế hoạch năm (sản lượng dầu thô là 13,03 triệu tấn).

Nổi bật trong hoạt động của ngành là vận hành an toàn với công suất tối ưu các nhà máy sản xuất điện, đạm, lọc hóa dầu, đảm bảo công tác bảo trì sửa chữa thường xuyên các nhà máy được thực hiện theo đúng yêu cầu kế hoạch đề ra. Sản lượng điện, đạm, xăng dầu đều vượt từ 2,4-15,8% so với kế hoạch chín tháng.

Tuy nhiên, do giá dầu trung bình chín tháng 2016 ​chỉ khoảng 42,7 USD/thùng, chỉ bằng 71,2% mức giá kế hoạch năm (60 USD/thùng), giảm 14,3 USD/thùng (giảm 25 %) so với mức giá trung bình chín tháng 2015 là 57 USD/thùng nên tổng doanh thu toàn Tập đoàn chỉ đạt 327.400 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch chín tháng và 64% kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước đạt 64.000 tỷ đồng, bằng 81% kế hoạch chín tháng và 61% kế hoạch năm. Các chỉ tiêu tài chính của PVN tuy thấp hơn kế hoạch đề ra nhưng tích cực hơn nhiều so với mức suy giảm của giá dầu.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đi đầu trong đóng góp ngân sách quốc gia ảnh 2Bảo dưỡng hệ thống khí PM3-Cà Mau. (Nguồn: EVN)

Các công tác khác như đầu tư phát triển; rà soát, tiết giảm chi phí và thực hành tiết kiệm; chuyển đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp... đều đạt được kết quả khả quan, hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Trong công tác đầu tư phát triển, Tập đoàn đã đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí và các dự án trọng điểm của Tập đoàn. Đồng thời tập trung rà soát kế hoạch đầu tư năm 2016; chỉ đạo các đơn vị thực hiện phân loại và sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư, đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn, đầu tư theo trọng điểm, không đầu tư các dự án không có khả năng thu xếp vốn, hiệu quả kinh tế-xã hội không cao.

Bên cạnh đó, nhận định công tác rà soát, tiết giảm chi phí và thực hành tiết kiệm là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để ứng phó với sự suy giảm của giá dầu, ngay từ những ngày đầu năm bước vào thực hiện kế hoạch 2016, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc đã có nhiều văn bản chỉ thị về việc rà soát tiết giảm chi phí...

Các đơn vị trong Tập đoàn cũng đã nghiêm túc tổ chức thực hiện. Tổng số tiền các đơn vị đăng ký phấn đấu tiết giảm trong cả năm 2016 là 9.052 tỷ đồng, tăng 4.615 tỷ đồng so với thực hiện năm 2015 (4.437 tỷ đồng). Đến nay công tác này đã có tác động rõ rệt đến việc hạ giá thành sản xuất các sản phẩm chủ yếu của Tập đoàn.

Công tác chuyển đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp tiếp tục được PVN triển khai theo đúng Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 5/1/2013 và Quyết định số 1011/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Trong những tháng đầu năm 2016 Tập đoàn đã rà soát, hoàn thiện lại kế hoạch tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2016-2020 theo ý kiến góp ý của Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác cổ phần hóa các đơn vị PVPower, PVOil và BSR...

Ngoài nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng phó với sự sụt giảm của giá dầu, Tập đoàn luôn nhận được sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ, sự giúp đỡ tích cực của các Bộ/ngành, đặc biệt Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành để xử lý các khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn. Đến nay các khó khăn, vướng mắc ở các lĩnh vực Tập đoàn đã báo cáo đang dần được các cấp có thẩm quyền tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn và các đơn vị vượt qua khó khăn hiện tại và là cơ sở để phát triển bền vững trong những năm tới.

Trong những tháng cuối năm, PVN đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua thách thức để đạt được những thành tích cao nhất trong năm 2016, tiếp tục phát huy truyền thống tự hào của những người đi tìm lửa, đóng góp tích cực cho an ninh năng lượng và sự phát triển kinh tế-xã hội nước nhà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.