Tập đoàn hàng xa xỉ LVMH báo cáo lợi nhuận giảm sâu trong nửa đầu năm

Trong nửa đầu năm 2024, lợi nhuận của tập đoàn bán hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH giảm xuống còn 7,26 tỷ euro (7,88 tỷ USD), doanh thu giảm 1% xuống còn 41,68 tỷ euro.

Một cửa hàng của Louis Vuitton. (Ảnh: Reuters)
Một cửa hàng của Louis Vuitton. (Ảnh: Reuters)

Ngày 23/7, tập đoàn bán hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH (Pháp) thông báo lợi nhuận ròng nửa đầu năm 2024 giảm 14% trong bối cảnh môi trường kinh tế và địa chính trị nhiều biến động.

LVMH sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Dior, Celine và Moet Hennessy.

Lợi nhuận của tập đoàn giảm xuống còn 7,26 tỷ euro (7,88 tỷ USD), doanh thu giảm 1% xuống còn 41,68 tỷ euro. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Bernard Arnault vẫn nhận định kết quả này phản ánh khả năng phục hồi tốt của LVMH trong bối cảnh bất ổn về kinh tế và địa chính trị.

Kết quả kinh doanh của LVMH đang được thị trường mong đợi sau khi hồi tuần trước, thương hiệu Burberry của Anh và tập đoàn Richemont (chủ sở hữu thương hiệu Cartier) đều báo cáo doanh số bán hàng giảm mạnh tại Trung Quốc.

Swatch Group, tập đoàn sở hữu một số thương hiệu đồng hồ như Omega và Tissot, cũng cho biết chi tiêu của khách hàng Trung Quốc cho các mặt hàng cao cấp đã chậm lại.

LVMH không cung cấp chi tiết doanh số bán hàng theo khu vực nhưng cho biết doanh số bán hàng tăng tại châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Theo tập đoàn, doanh số bán hàng ở phần còn lại của châu Á phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ trong chi tiêu của khách hàng Trung Quốc ở châu Âu và Nhật Bản.

Đối với từng ngành hàng cụ thể, thời trang và đồ da, vốn đóng góp khoảng một nửa doanh thu, có doanh số giảm 2% trong nửa đầu năm nay. Doanh số đồng hồ, trang sức, rượu vang và rượu mạnh cũng giảm. Những ngành hàng hiếm hoi đạt mức tăng trưởng là nước hoa và mỹ phẩm, trong đó có chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Sephora./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.