Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, lời khẳng định trên của người sáng lập Huawei được cho là muốn gửi đến Canada một thông điệp: bắt tay với Huawei và sẽ trở nên thịnh vượng trong tương lai của mạng không dây thế hệ mới 5G.
Ông Nhậm Chính Phi nhấn mạnh Huawei không thay đổi chiến lược về việc tiếp tục phát triển và đầu tư tại Canada. Doanh thu của Huawei tại thị trường Canada năm 2018 đạt 420 triệu USD, trong đó 270 triệu USD từ việc bán thiết bị viễn thông và 150 triệu USD từ mảng điện thoại thông minh.
[Bất chấp cấm vận, điện thoại Huawei vẫn vượt ngưỡng 100 triệu chiếc]
Hiện, tập đoàn Huawei vẫn đang xúc tiến chiến lược tăng cường kết nối ở khu vực nông thôn và miền Bắc Canada trong bối cảnh hãng này bị các thị trường phương Tây quay lưng.
Trong khi các cuộc tranh luận hiện nay chủ yếu tập trung vào việc liệu có cho phép Huawei tham gia vào công nghệ 5G tại Canada hay không, thì việc tập đoàn này tăng cường sự hiện diện trong mạng 3G và 4G tại Canada lại không bị “soi” kỹ.
Huawei tiếp tục cung cấp thiết bị để nâng cao khả năng tiếp cận Internet cho người dân tại vùng sâu, vùng xa của Canada.
Trong khi đó, Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đang tiến hành đánh giá các khía cạnh liên quan đến an ninh quốc gia để quyết định xem liệu Canada có đi theo Australia, cấm Huawei cung cấp thiết bị cho cơ sở hạ tầng viễn thông 5G hay không.
Bộ trưởng An ninh công cộng Canada Ralph Goodale từng cho biết trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10/2019, Ottawa sẽ đưa ra quyết định về việc này.
Bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei, là con gái của ông Nhậm Chính Phi, đã bị Canada bắt giữ tại sân bay Vancouver hồi tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ và đang đấu tranh chống lại việc dẫn độ theo cáo buộc rằng bà và Huawei vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran.
Cả bà Mạnh Vãn Châu và tập đoàn Huawei đều phủ nhận mọi cáo buộc.
Phiên tòa xem xét dẫn độ CFO của Huawei sẽ được mở vào đầu năm 2020, sau hơn một năm kể từ ngày bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ.
Bà Mạnh Vãn Châu sau khi nộp 10 triệu CAD tiền bảo lãnh đã được tại ngoại và sống tại nhà riêng ở Vancouver, nhưng phải đeo thiết bị theo dõi điện tử và chịu sự giám sát của một công ty an ninh.
Vụ Canada bắt giữ CFO của Huawei đã đẩy mối quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1970, thời điểm nước hai bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.
Theo giới quan sát, vụ Huawei phản ánh "cuộc đọ sức" giữa phương Tây và Trung Quốc trong lĩnh vực mạng thông tin liên lạc, lĩnh vực mà tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới./.