Tập đoàn LEGO đầu tư hơn 1 tỷ USD xây dựng nhà máy tại Bình Dương

Tập đoàn LEGO của Đan Mạch đầu tư hơn 1 tỷ USD xây nhà máy trung hòa carbon tại Bình Dương, bao gồm cả phần đầu tư cho sản xuất năng lượng Mặt Trời, tạo 4.000 cơ hội việc làm trong 15 năm tới.
Tập đoàn LEGO đầu tư hơn 1 tỷ USD xây dựng nhà máy tại Bình Dương ảnh 1Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Hojlund Christensen chứng kiến Lễ ký. (Ảnh: VGP)

Chiều tối 8/12 tại Hà Nội, Tập đoàn LEGO đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh Trách nhiệm hữu hạn Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) để xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam ở tỉnh Bình Dương.

Phát biểu tại lễ ký kết, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và Lào, ông Kim Højlund Christensen cho biết năm 2021 là năm quan trọng đối với quan hệ hai nước Đan Mạch-Việt Nam. Trong 50 năm qua, hai nước đều được hưởng lợi về mặt kinh tế và văn hoá qua các mối quan hệ hợp tác bền chặt - từ hợp tác phát triển đến hợp tác thương mại và đầu tư.

Đây là dự án với số vốn đầu tư lớn nhất do một doanh nghiệp Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam. Điều này cho thấy niềm tin và sự lạc quan của phía Đan Mạch vào tương lai của mối quan hệ hợp tác quan trọng này.

Theo kế hoạch, Tập đoàn LEGO sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn, bao gồm cả phần đầu tư cho sản xuất năng lượng Mặt Trời vào khu đất rộng 44ha tại tỉnh Bình Dương, với mục tiêu mang đến 4.000 cơ hội việc làm trong vòng 15 năm tới.

Việc khởi công được dự kiến triển khai vào nửa cuối năm 2022 và nhà máy sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024.

Tập đoàn LEGO cho biết, đây sẽ là nhà máy thứ 6 trên thế giới và là nhà máy thứ 2 ở châu Á của Tập đoàn LEGO. Nhà máy được xây dựng để thúc đẩy phát triển dài hạn trong khu vực, từ đó doanh nghiệp có thể tiếp tục mang đến những trải nghiệm vui chơi cho nhiều trẻ em trong những năm tới.

Nhà máy mới sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu của LEGO với những nhà máy được đặt ở các khu vực gần với những thị trường chính của Tập đoàn. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể đáp ứng linh hoạt, nhanh chóng sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng ở mỗi khu vực, rút ngắn chuỗi cung ứng và giảm các tác động lên môi trường khi vận chuyển đường dài.

[Việt Nam-Đan Mạch hợp tác thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm]

Phát biểu tại lễ ký trực tuyến, ông Carsten Rasmussen, Giám đốc Vận hành của Tập đoàn LEGO cho biết, những kế hoạch của Chính phủ Việt Nam về đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng sản xuất năng lượng tái tạo và thúc đẩy hợp tác với các công ty đầu tư nước ngoài chất lượng cao là động lực để LEGO quyết định xây dựng nhà máy tại đây.

“Chúng tôi rất mong chờ được hợp tác với VSIP để xây dựng nhà máy hiện đại này, góp phần mang đến thêm hàng nghìn cơ hội việc làm mới cũng như gián tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cộng đồng tại địa phương", ông Carsten Rasmussen cho hay.

Ông Nguyễn Phú Thịnh, Tổng Giám đốc VSIP cho hay, VSIP cam kết sẽ mang đến cho các doanh nghiệp quốc tế những khoản đầu tư chất lượng cao và các giải pháp bền vững để tạo nên những cơ hội phát triển lâu dài.

Theo kế hoạch, nhà máy mới của LEGO sẽ được lắp đặt các tấm pin năng lượng Mặt Trời trên mái và VSIP sẽ thay mặt LEGO xây dựng một dự án năng lượng Mặt Trời kế bên. Từ đó, mạng lưới năng lượng Mặt Trời này sẽ sản xuất đủ năng lượng tái tạo để đáp ứng 100% yêu cầu hàng năm của nhà máy.

Nhà máy sẽ được xây dựng với mục tiêu đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu của LEED Gold, bao gồm tất cả các lĩnh vực bền vững từ năng lượng, nước tới chất thải.

Bên cạnh đó, nhà máy cũng sẽ được thiết kế để vận hành các loại xe điện và được trang bị các thiết bị sản xuất giúp nâng cao hiệu quả năng lượng.

Cùng với đó, Tập đoàn LEGO cùng với VSIP sẽ trồng 50.000 cây xanh tại Việt Nam để bù đắp cho những thảm thực vật bị chặt bỏ trong quá trình xây dựng nhà máy.

Bên cạnh việc cam kết đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng cao đặc biệt ở nhà máy, các lao động địa phương lành nghề sẽ được Tập đoàn LEGO đào tạo để vận hành thiết bị sản xuất công nghệ cao sử dụng trong mọi nhà máy LEGO trên toàn thế giới.

Điều này đảm bảo rằng mỗi sản phẩm đều được làm với độ chính xác gần như tuyệt đối, có thể khớp nối hoàn hảo với các sản phẩm đã được sản xuất trong hơn 60 năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.