Tập đoàn lớn của Nhật Bản SoftBank đầu tư "khủng" vào Mỹ

Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố tập đoàn SoftBank của Nhật Bản sẽ đầu tư 50 tỷ USD vào các doanh nghiệp và việc tạo việc làm tại Mỹ.
Tập đoàn lớn của Nhật Bản SoftBank đầu tư "khủng" vào Mỹ ảnh 1Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và CEO của SoftBank, ông Masayoshi Son. (Nguồn: Reuters)

Ngày 6/12, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố tập đoàn SoftBank của Nhật Bản sẽ đầu tư 50 tỷ USD vào các doanh nghiệp và việc tạo việc làm tại Mỹ.

Phát biểu cùng Giám đốc điều hành SoftBank, tỷ phú Masayoshi Son, tại Tháp Trump, Tổng thống đắc cử Mỹ cho biết khoản đầu tư của hãng Nhật Bản này sẽ tạo ra 50.000 việc làm.

Theo văn kiện có dấu của SoftBank và Foxconn, một hãng công nghệ của Đài Loan, hai hãng này cam kết sẽ đầu tư lần lượt 50 tỷ và 7 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ, tạo ra 100.000 việc làm mới ở nước này trong vòng 4 năm tới.

Không đề cập chi tiết về bản chất cũng như cách khoản đầu tư này tạo ra việc làm, Tổng thống đắc cử Trump tuyên bố các khoản đầu tư này mới này là do ông đắc cử Tổng thống Mỹ.

Trong một bình luận trên Twitter sau đó, ông Trump nêu rõ Giám đốc của SoftBank đã khẳng định sẽ không có khoản đầu tư này nếu tỷ phú bất động sản này không trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng.

Trong khi đó, ông Masayoshi Son cho biết sẽ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp của Mỹ.

Trả lời phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, Giám đốc Masayoshi Son cho biết tiền đầu tư được lấy từ quỹ đầu tư 100 tỷ USD do SoftBank thành lập với Quỹ Đầu tư công của Saudi Arabia cùng nhiều đối tác khác, công bố hồi giữa tháng 10 vừa qua.

Theo ông này, phần lớn khoản đầu tư từ Quỹ Tầm nhìn SoftBank này sẽ dành cho phát triển công nghệ "Internet of Things" (Mọi thứ kết nối Internet), xu hướng sử dụng trí thông minh nhân tạo và robot để phục vụ đời sống.

Năm 2013, SoftBank cũng từng bỏ ra khoản tiền lên tới 22 tỷ USD để mua 80% cổ phần của Sprint, một trong những "đại gia" viễn thông của Mỹ, với kế hoạch sáp nhập công ty này với T-Mobile, một hãng viễn thông lớn khác của Mỹ. Tuy nhiên kế hoạch này đã "chết yểu" do vấp phải sự phản đối của các cơ quan quản lý của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.