Tập đoàn SCG của Thái Lan tăng cường đầu tư tại Việt Nam

Tập đoàn vật liệu xây dựng số 1 Thái Lan SCG, doanh nghiệp đã đầu tư 700 triệu USD vào Việt Nam kể từ năm 1992, đang có kế hoạch tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.

Theo The Nation, tập đoàn vật liệu xây dựng số 1 Thái Lan SCG, doanh nghiệp đã đầu tư 700 triệu USD vào Việt Nam kể từ năm 1992, đang có kế hoạch tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, đặc biệt là trong mảng ximăng và hóa dầu chế biến.

Giám đốc điều hành SCG tại Việt Nam Dhep Vongvanich ngày 23/1 cho biết tập đoàn này quyết tâm xây dựng một nhà máy ximăng tại Việt Nam và tiếp tục công việc xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn trị giá 4,5 tỷ USD, dù trước đó 1 trong 4 đối tác quan trọng là Qatar Petroleum đã rút khỏi dự án này.

Ông Dhep nói: "Mục tiêu của chúng tôi là phải có một nhà máy ximăng tại đây... Chúng tôi đang nghiên cứu xem có nên đầu tư toàn bộ hay liên doanh."

Cũng theo ông Dhep, SCG hiện có gần 7.000 lao động tại Việt Nam, trong đó có khoảng 100 nhân viên người Thái.

Theo báo cáo của SCG đưa ra tại một hội thảo ở Singapore trong tháng 1, tính đến tháng 9/2015, Indoensia là điểm đến đầu tư lớn nhất của tập đoàn này với tổng trị giá tài sản là 43,8 tỷ Baht (gần 121,6 triệu USD), theo sau là Việt Nam với 25,7 tỷ Baht (71,3 triệu USD) và Campuchia với 10,77 tỷ Baht (gần 30 triệu USD).

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đem lại doanh thu lớn nhất với 22,24 tỷ Baht (61,7 triệu USD).

Với lễ khánh thành một nhà máy ximăng trong quý IV năm 2015, Indonesia đã vượt Việt Nam trở thành chi nhánh có doanh thu cao nhất của SCG.

Ông Dhep cho hay: "Indonesia dẫn đầu vì ở đây có một nhà máy ximăng. Vì vậy, chúng tôi đang xem xét đầu tư vào hóa dầu (đầu dòng) tại đây (Việt Nam) vì Việt Nam vẫn phải nhập khẩu toàn bộ sản phẩm hóa dầu (đầu dòng). Khoảng 80-90% đầu ra từ dự án của chúng tôi sẽ phục vụ nhu cầu nội địa."

Theo ông Dhep, SCG gần đây đã gặp nhà chức trách Việt Nam để tái khẳng định cam kết với dự án hóa dầu Long Sơn và chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối.

Ông khẳng định: "Việt Nam nổi bật vì nền chính trị ổn định, chi phí năng lượng rẻ và người dân chăm chỉ. Đây là cơ hội của chúng tôi vì ở Thái Lan, kinh doanh bất động sản và xây dựng đang giảm tốc"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.