Tập đoàn SEP của Hàn Quốc đầu tư dự án trung hòa carbon tại Bình Dương

Tập đoàn SEP muốn đầu tư hơn 200 triệu USD để thành lập khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon tại Bình Dương trên diện tích 180ha.
Tập đoàn SEP của Hàn Quốc đầu tư dự án trung hòa carbon tại Bình Dương ảnh 1Lãnh đạo tỉnh Bình Dương làm việc với Tập đoàn SEP để bàn về việc đầu tư dự án khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon. (Ảnh: Bộ Công Thương)

Dựa trên mô hình trung hòa carbon đang được thí điểm bởi các Khu liên hợp công nghiệp Banwol-Sihwa tại Hàn Quốc, Tập đoàn SEP Cooperative (Hàn Quốc) muốn đầu tư hơn 200 triệu USD để thành lập Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon đầu tiên tại Việt Nam trên diện tích 180 hecta tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Dự án trung hòa carbon do Tập đoàn SEP Cooperative (Hàn Quốc) đầu tư vào Bình Dương sẽ sử dụng năng lượng Mặt Trời, xây dựng hệ thống xử lý chất thải và nước thải và công nghệ tái tạo chất thải công nghiệp, góp phần vào phát triển xanh tại " thủ phủ" công nghiệp Bình Dương.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đánh giá, dự án trung hòa carbon của Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh khá phù hợp với xu hướng phát triển công nghiệp xanh, đô thị thông minh và nền kinh tế xanh đang được tỉnh hoạch định chiến lược về thu hút đầu tư. 

Dự kiến, khu liên hợp công nghiệp này sẽ thu hút khoảng 20 doanh nghiệp là thành viên của SEP tham gia đầu tư các giải pháp để trung hòa carbon.

[9 dự án Việt đầu tiên tham gia Chương trình thúc đẩy tài chính khí hậu]

Với dự án tại Bình Dương sẽ góp phần giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường; đóng góp tích cực cho định hướng phát triển xanh và bền vững của tỉnh Bình Dương.

Ngày 13/4 vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Gia Định và Tập đoàn SEP Cooperative (Hàn Quốc) ký kết chương trình hợp tác triển khai dự án trung hòa carbon tại Cụm công nghiệp Tam Lập 2, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Dự án lên kế hoạch triển khai xây dựng vào cuối năm 2023.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, tỉnh luôn ưu tiên các dự án công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng nền kinh tế xanh, phát triển công nghiệp thế hệ mới bền vững.

Do đó, đề xuất triển khai dự án của Tập đoàn SEP là phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.

Đến nay, Hàn Quốc đứng thứ 5 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương, với 762 dự án, tổng số vốn đầu tư 3,3 tỷ USD.

Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là các sản phẩm phụ trợ ngành ôtô, y tế, dược phẩm, hóa mỹ phẩm và chế biến thực phẩm, dệt may, giày dép...

Một số dự án của nhà đầu tư Hàng Quốc có vốn đầu tư lớn như Tập đoàn Kolon, Công ty Kyung Bang Việt Nam, Công ty Lốp Kumho Việt Nam, Công ty DCT Partner Việt Nam, Công ty Orion Vina, Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.