Tập đoàn Siêu thị Carrefour tìm nguồn cung ứng lâu dài từ Việt Nam

Carrefour đang hợp tác với một số doanh nghiệp để sản xuất tại Việt Nam nhằm xuất khẩu vào hệ thống của Carrefour tại châu Âu và dự kiến sẽ đẩy mạnh mô hình xuất khẩu này trong thời gian tới.

Mô hình hợp tác ba bên giữa Nhà phân phối bán lẻ/Nhà nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam thông qua cầu nối là Thương vụ Việt Nam tại Pháp. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Mô hình hợp tác ba bên giữa Nhà phân phối bán lẻ/Nhà nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam thông qua cầu nối là Thương vụ Việt Nam tại Pháp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trao đổi với Lãnh đạo Tập đoàn Carrefour trong chuyến thăm Pháp mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao Carrefour trong việc hợp tác với Bộ Công Thương triển khai nhiều hoạt động đưa hàng hóa Việt Nam vào các siêu thị trong hệ thống của Carrefour trên thế giới, cũng như tổ chức các sự kiện Tuần hàng Việt Nam, Tuần lễ Tết Nguyên đán, Tết Trung thu Việt Nam tại Pháp trong ba năm gần đây.

Đây là những sự kiện rất có ý nghĩa, không chỉ mang tính biểu tượng khi được tổ chức vào những dịp văn hoá truyền thống lớn của Việt Nam, mà còn đánh dấu sự khởi đầu hiệu quả của một mô hình hợp tác 3 bên giữa nhà phân phối bán lẻ, công ty nhập khẩu và cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài nhằm mang lại sự lựa chọn đa dạng phong phú những sản phẩm chất lượng cao xuất xứ Việt Nam cho người tiêu dùng Pháp.

Tại buổi làm việc, ông Patrick Lasfargues cho biết ngoài việc thu mua, Carrefour đang hợp tác với một số doanh nghiệp để sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu vào hệ thống của Carrefour tại châu Âu và dự kiến sẽ đẩy mạnh mô hình xuất khẩu này trong thời gian tới.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn Carrefour sẽ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh để có thể phát triển sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu, phù hợp với nhu cầu của Carrefour và chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng tại Pháp, cũng như nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi trên thị trường châu Âu nói chung và Pháp nói riêng. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng khuyến khích Carrefour tăng cường liên kết với doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất đa dạng các mặt hàng tiêu dùng nhằm cung ứng cho thị trường châu Âu.

Để tiếp nối những thành công ban đầu trong hợp tác, Bộ Công Thương dự kiến sẽ phối hợp với Carrefour để tổ chức đón các đoàn thu mua vào Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là tham dự sự kiện Viet Nam International Sourcing được Bộ Công Thương tổ chức từ ngày 6/6-8/6/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Với hơn 65 triệu dân, Pháp là một thị trường tiềm năng đối với hàng xuất khẩu Việt Nam. Các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam được thị trường Pháp quan tâm ưa chuộng là thủy sản, dệt may, giày dép, hàng gia dụng, điện tử…

Ngoài những mối liên hệ có tính chất văn hoá, lịch sử, rất nhiều người Pháp yêu thích văn hóa ẩm thực Việt Nam. Ẩm thực hiện đại của Việt Nam cũng nổi tiếng về tinh tế, phù hợp với xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm và hướng tới sức khỏe của khách hàng châu Âu. Điều này sẽ mở ra một thị trường rất tiềm năng cho mặt hàng thực phẩm Việt Nam tại hệ thống siêu thị Carrefour.

2023-12-06-03-37-509-e38e4-6551.jpeg
Bộ trưởng Bộ Công Thương trao đổi với ông Patrick Lasfargues Phó Chủ tịch Tập đoàn Carrefour. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại diện Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết Carrefour là tập đoàn siêu thị lớn thứ hai thế giới tính theo doanh thu, sau tập đoàn WalMart của Hoa Kỳ. Thành lập năm 1959 tại Annecy, Pháp, hiện hệ thống siêu thị của Carrefour đã mở rộng ra nhiều nước châu Âu, Nam Mỹ và châu Á. Bên cạnh nhãn hiệu đầu tàu Carrefour, tập đoàn còn có hai nhãn hiệu siêu thị quốc tế là Champion, Dia và một số nhãn hiệu siêu thị địa phương như GS, Supermarchés GB, Norte, Shopi hay 8 à Huit.

Theo số liệu thống kê của các chuyên gia, nhu cầu thực phẩm châu Á tại các hệ thống phân phối ở Pháp đạt 650 triệu USD, trong đó Carrefour chiếm khoảng 25% thị phần. Hiện công ty T&T Foods là một trong những nhà cung cấp hàng đầu thực phẩm châu Á tại hệ thống Carrefour, trong đó doanh thu của T&T Foods từ hàng Việt Nam đạt khoảng 6,5 triệu USD trong năm 2020.

Viet Nam International Sourcing 2024 sẽ được Bộ Công Thương tổ chức từ ngày 6-08/6/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều hoạt động kết nối giao thương với các hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ hàng đầu thế giới. Dự kiến 500 doanh nghiệp Việt Nam với 10.000 sản phẩm tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ tham gia sự kiện để kết nối với các đoàn giao dịch và khách mua hàng từ 25 nước trên thế giới.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.