Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của người nông dân; gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Mặt khác, mục tiêu đào tạo nghề phải hướng đến giải quyết việc làm, chú trọng “đầu ra” làm tăng thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới đồng thời phù hợp với đặc điểm về trình độ, tư duy của lao động nông thôn
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn do Bộ này tổ chức ngày hôm nay (7/5,) tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Minh Nhạn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kiêm Phó Trưởng ban công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cho biết, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn vẫn tồn tại nhiều yếu kém như thiếu định hướng, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, nhất là quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
“Bên cạnh đó, đào tạo nghề hiện nay mới tập trung vào các nghề cũ, chưa đào tạo được các ngành nghề mới khi có đến 67,2% lao động sau khi học nghề vẫn tiếp tục làm nghề cũ,” ông Nguyễn Minh Nhạn cho hay.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đại biểu các tỉnh đều cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác điều tra, khảo sát nhu cầu của nông dân và lập kế hoạch dạy nghề nhiều nơi chưa sát với thực tế, chưa phù hợp với yêu cầu nên nhiều lao động khi học xong nghề tuy có việc làm nhưng thiếu bền vững. Mặt khác, các địa phương cũng thiếu cán bộ chuyên trách nên dẫn đến nhiều khó khăn trong quản lý.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện-Xây dựng và Nông Lâm Trung Bộ cho rằng, các địa phương phải làm sao gắn kết được đào tạo nghề với người nông dân thì mới thực sự tạo nên cú huých, mới gỡ khó cho những tồn tại và góp phần phát triển nông nghiệp một cách bền vững.
Xuất phát từ thực trạng trên, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Bộ Trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, các đơn vị cần tập trung đào tạo có trọng tâm, hướng đến cái nông dân cần nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo.
“Đối với các địa phương, cần tập trung dạy các nghề chính, thiết thực theo quy hoạch của xã, mỗi xã lựa chọn 1-2 cây hoặc con chủ lực, sản xuất hàng hóa để tập trung dạy nghề trong giai đoạn 2014-2015.
Đối với các đối tượng cần có tay nghề, kỹ năng, chứng chỉ bằng cấp thì cần phải đào tạo ‘bài bản’ và ‘thành nghề;’ coi trọng kết quả ‘đầu ra’ thay vì coi trọng yếu tố mở được nhiều lớp, nhiều người tham gia,” Bộ Trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Theo số liệu của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 được phê duyệt, đối với giai đoạn 2011-2015, đào tạo nghề nông nghiệp được khoảng 1.600.000 người (trong tổng số 4.700.000 lao động nông thôn được học nghề;) giai đoạn 2016-2020 đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 1.400.000 người (trong tổng số 5.500.000 lao động nông thôn được học nghề.
Thực tế, giai đoạn 2011-2013, mỗi năm cả nước đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 200.000 lao động nông thôn./.