Hội nghị giao ban thanh tra các bộ, ngành sáu tháng đầu năm 2017 đã diễn ra chiều 5/7, tại Hà Nội.
Hội nghị đã tập trung thảo luận về định hướng chương trình thanh tra năm 2018; kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Theo dự thảo, chương trình thanh tra năm 2018 đề ra yêu cầu công tác thanh tra bảo đảm luật pháp được triển khai, thực hiện nghiêm. Kết luận thanh tra phải được thực hiện có hiệu quả, hiệu lực; trách nhiệm chính là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương về thực thi pháp luật và những sai phạm (nếu có).
Công tác thanh tra tiếp tục đổi mới theo hướng tăng cường thanh tra theo chuyên ngành, thanh tra trách nhiệm. Nội dung thanh tra hành chính phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, vấn đề xã hội quan tâm. Hoạt động thanh tra chuyên ngành tập trung vào những nội dung, vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội, các vi phạm pháp luật và chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành, thực thi pháp luật chuyên ngành. Hạn chế tối đa sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra; tăng cường thanh, kiểm tra lại các kết luận thanh tra cấp dưới.
Đồng thời, ngành tập trung thực hiện nghiêm túc chủ trương, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật, đồng thời với việc thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Tại hội nghị, một trong những nội dung được các đại biểu tập trung làm rõ đó là việc chồng chéo trong công tác thanh tra. Đối với sự chồng chéo trong công tác thanh tra bộ, ngành và địa phương, nhiều đại biểu cho rằng, việc khắc phục sự chồng chéo vẫn đang vướng ở cơ chế, thẩm quyền thực hiện. Do đó, cần giao cho bộ hoặc địa phương xử lý để thống nhất cơ chế, kế hoạch nhằm hạn chế trùng lắp, chồng chéo trong công tác thanh tra.
Về chồng chéo giữa ngành thanh tra và kiểm toán, một số ý kiến đề xuất do thời gian trình kế hoạch thanh tra của hai cơ quan có khác nhau khiến nội dung thanh, kiểm tra có sự trùng lắp, dẫn đến tình trạng chồng chéo trong triển khai. Thanh tra các bộ, ngành kiến nghị Thanh tra Chính phủ cần sớm có biện pháp khắc phục.
Kết luận hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nêu rõ công tác của ngành đã đảm bảo đúng yêu cầu định hướng đề ra. Tỷ lệ thu hồi tài sản vi phạm đạt 100% yêu cầu. Đối với những hạn chế còn tồn tại, đặc biệt là việc khắc phục sự chồng chéo giữa hai ngành thanh tra và kiểm toán, tới đây, hai cơ quan sẽ sơ kết công tác phối hợp nhằm khắc phục triển tình trạng chồng chéo. Mặt khác, thanh tra bộ, ngành cần sớm ban hành kế hoạch sớm, tạo sự thống nhất, nhằm thực hiện tốt Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu, công tác thanh tra theo kế hoạch cần gắn với thanh tra đột xuất; đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định kết quả thanh tra, đảm bảo cuộc thanh tra có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần quan tâm kiến nghị những bất cập trong cơ chế chính sách trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng, đồng thời đề xuất những mô hình hiệu quả để nhân rộng.
Sáu tháng đầu năm, toàn ngành thanh tra đã triển khai trên 3.200 cuộc thanh tra hành chính và trên 98.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 110.900 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 698 tập thể, 10 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 34 vụ, 80 đối tượng.
Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước và trả lại quyền lợi cho 404 công dân số tiền 24,9 tỷ đồng, 6,2ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 89 người, chuyển cơ quan điều tra xử lý 22 vụ./.