Ông Lê Văn Dũng, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết Ban đang phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh tập trung xúc tiến những ngành nghề, lĩnh vực mà Khu kinh tế Dung Quất có lợi thế so sánh, đặc biệt là các ngành nghề liên quan đến sử dụng cảng biển nước sâu, các dự án đòi hỏi quỹ đất rộng, các dự án đòi hỏi công nghiệp phụ trợ đi trước một bước, các dự án gắn với nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Đồng thời Ban cũng hợp tác với các cơ quan liên quan để xác định danh mục các dự án hóa dầu - hóa chất, tập trung thu hút các dự án dịch vụ và phụ trợ cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất; ưu tiên khai thác các dự án của ngành dầu khí để từng bước phát triển Khu kinh tế Dung Quất thành một trong những điểm quan trọng của ngành dầu khí; tiến tới hình thành Tổ hợp lọc hóa dầu, hóa chất phù hợp với quy mô, chủng loại nguyên liệu của nhà máy lọc dầu.
Trong thời gian tới, một số lĩnh vực khác cần tiếp tục xúc tiến như Dự án sản xuất vật liệu xây dựng, cảng biển; đóng tàu, nhiệt điện than, chế tạo thiết bị nặng.... Dựa vào thế mạnh là nguyên liệu gỗ rừng trồng để tập trung xúc tiến dự án sản xuất ván MDF, ván Ocal, sản xuất giấy và bột giấy, chế biến đồ gỗ và sau gỗ; tiếp tục xúc tiến các dự án phụ trợ cho Tổ hợp công nghiệp nặng Doosan; các dự án cơ khí sản xuất linh kiện thiết bị nặng, từng bước hình thành cụm công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp nặng, phụ trợ thép và phụ trợ tàu thủy.
Đến nay Quảng Ngãi đã cấp phép cho 282 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 192.000 tỷ đồng, trong đó có 22 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đầu tư gần 4 tỷ USD.
Riêng năm 2012, Quảng Ngãi thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn như Công ty Liên danh trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) đầu tư Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP với vốn đầu tư gần 400 triệu USD và thỏa thuận với Tập đoàn Sembcorp (Singapore) đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Dung Quất có tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.
Đây được xem là những điểm nhấn về thu hút các nhà đầu tư lớn đến Quảng Ngãi trong những năm tới./.