Tất cả các bên của Libya đều tham gia đàm phán hòa bình

Đại diện Liên hợp quốc ở Libya kêu gọi các bên ủng hộ việc thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia vào cuối tháng Tám này và tiến hành cuộc bỏ phiếu vào tháng Chín.
Tất cả các bên của Libya đều tham gia đàm phán hòa bình ảnh 1Đặc phái viên Liên hợp quốc về tình hình Libya Bernardino Leon (giữa) ký tắt vào thỏa thuận hòa bình mới tại Rabat ngày 11/7. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, sau một loạt cuộc tham vấn rộng rãi giữa các bên và đối tác quốc tế, vòng đàm phán mới giữa các bên đối địch tại Libya đã bắt đầu vào ngày 11/8, chậm một ngày so với kế hoạch ban đầu.

Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Libya đồng thời là Trưởng phái bộ Liên hợp quốc tại Libya (MANUL), ông Bernardino Leon đã kêu gọi các bên tại Libya ủng hộ việc thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia vào cuối tháng Tám này và tiến hành cuộc bỏ phiếu vào tháng Chín.

Các cuộc đàm phán tại Geneva tập trung bàn thảo việc thành lập một chính phủ đoàn kết cùng với các phụ lục liên quan, đồng thời xúc tiến nỗ lực nhằm đưa các đảng phái chính trị xích lại gần nhau.

Đặc phái viên Leon bày tỏ vui mừng vì tất cả các nhân tố chủ chốt của Libya đã tới Geneva tham gia cuộc đàm phán hòa bình này đồng thời hy vọng trong những ngày tới, các bên sẽ tiếp tục thương lượng.

Mặc dù vậy, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva, ông Bernardino Leon nhấn mạnh thành công của cuộc đối thoại còn phụ thuộc vào ý chí chính trị và sự sáng tạo của các bên.

Cuộc đàm phán được tiến hành trong bối cảnh Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Liên minh Hồi giáo vũ trang "Bình minh Libya" chiếm thủ đô Tripoli hồi tháng 8/2014 và thành lập một chính phủ tại đây. Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Abdullah al-Thinni được quốc tế công nhận phải dời đến thành phố Tobruk ở miền Đông.

Kể từ đó, quốc gia Bắc Phi này rối ren trong sự chia rẽ giữa chính phủ và quốc hội được quốc tế công nhận ở miền Đông với cơ quan lập pháp cũ và chính phủ ở Tripoli được sự hậu thuẫn của lực lượng Hồi giáo vũ trang kiểm soát thành phố này.

Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đóng vai trò trung gian đối thoại giữa các phái đối địch ở Libya, song xung đột vẫn tiếp diễn bất chấp việc các bên đã thông qua một lệnh ngừng bắn.

Tháng trước, quốc hội được quốc tế công nhận của Libya đã nhất trí với một dự thảo thỏa thuận hòa bình của Liên hợp quốc nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc cũng như tổ chức các cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC - tức cơ quan lập pháp cũ của Libya) đã bác bỏ dự thảo này và yêu cầu sửa đổi.

Vòng đàm phán mới được đánh giá là rất quan trọng đối với tất cả các bên để cùng bàn thảo các mối quan tâm và giải tỏa những bất đồng còn tồn tại nhằm tạo cơ sở cho một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột chính trị và quân sự ở Libya.

Dự kiến đàm phán có thể kéo dài từ 2 đến 3 tuần trước khi đạt được thỏa thuận cuối cùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.