Tất cả công ty dầu khí lớn đều không đáp ứng mục tiêu chống biến đổi khí hậu

Kết quả đánh giá của Carbon Tracker cho thấy hiện không có công ty dầu khí lớn nào đáp ứng các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, dù có sự khác biệt rõ ràng giữa các công ty.

Bể chứa dầu thô tại kho dự trữ ở Cushing, Oklahoma, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bể chứa dầu thô tại kho dự trữ ở Cushing, Oklahoma, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo mới, được Tổ chức nghiên cứu Carbon Tracker công bố ngày 20/3, tất cả công ty dầu khí lớn có kế hoạch mở rộng khai thác nhiên liệu hóa thạch đều không đáp ứng được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt trên toàn cầu không quá 1,5 độ C đã được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Việc đánh giá 25 công ty nhiên liệu hóa thạch lớn nhất trong danh sách của Tổ chức nghiên cứu Carbon Tracker được thiết kế để các nhà đầu tư quyết định liệu các công ty này có đáp ứng được các mục tiêu quốc tế chống biến đổi khí hậu hay không.

Đánh giá sử dụng các tiêu chí bao gồm đầu tư, kế hoạch sản xuất và mục tiêu phát thải và các công ty sẽ được đánh giá theo thang xếp loại từ A đến H.

Nếu đạt loại A, đồng nghĩa công ty có khả năng đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Trong khi đó, loại H là mức kém đáp ứng nhất và các hoạt động của công ty có thể khiến Trái Đất ấm lên nghiêm trọng từ 2,4 độ C trở lên.

Báo cáo cho thấy không công ty nào đáp ứng các mục tiêu khí hậu. Xếp hạng cao nhất là công ty dầu khí BP của Anh, đạt loại D. Công ty Conoco Phillips của Mỹ đứng cuối bảng, ở hạng H.

Nhà phân tích dầu khí của Carbon Tracker, đồng thời là tác giả của báo cáo trên, bà Maeve O'Connor cho biết các công ty trên toàn thế giới đang công khai tuyên bố họ ủng hộ các mục tiêu của Hiệp định Paris và khẳng định tham gia các giải pháp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.

Tuy nhiên, kết quả đánh giá cho thấy hiện không có công ty nào đáp ứng được các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, dù có sự khác biệt rõ ràng giữa các công ty.

Hầu hết các công ty dầu khí được đánh giá đều có kế hoạch phát triển mới và tăng sản lượng trong thời gian tới. Chỉ BP có kế hoạch giảm sản lượng trong dài hạn, còn Repsol, Equinor và Shell dự tính duy trì sản lượng gần như nhau.

Tuy nhiên, BP năm ngoái cho biết lượng khí thải carbon của họ sẽ không giảm nhanh như dự đoán trong bối cảnh lợi nhuận hàng năm của hãng lên mức cao kỷ lục nhờ giá dầu và khí đốt tăng vọt.

Lượng khí thải carbon từ sản xuất dầu khí của BP sẽ giảm từ 20-30% vào năm 2030 so với năm 2019, thấp hơn dự kiến trước đó là giảm 25-40%.

Tập đoàn dầu khí khổng lồ Shell của Anh tuần trước cũng đã hạ mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon, mặc dù họ khẳng định đang tìm kiếm một sự chuyển đổi cân bằng và có trật tự từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng carbon thấp.

Với mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,2 độ C, con người trên khắp hành tinh đang phải đối mặt với những tác động khí hậu tàn khốc, gây thiệt hại cả về người và của. Nhiệt độ toàn cầu năm ngoái ghi nhận mức cao kỷ lục, làm gia tăng các vụ cháy rừng, bão và hạn hán./.

Tin cùng chuyên mục