Ngày 9/1, một tàu chở hàng đã bị mắc cạn ở kênh đào Suez của Ai Cập nhưng may mắn không gây ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến vận tải quan trọng này.
Công ty dịch vụ kênh đào Leth Agencies cho biết tàu MV Glory mắc cạn gần thành phố Qantara thuộc tỉnh Ismailia, ven kênh đào Suez.
Các tàu kéo đã giải cứu được tàu MV Glory. Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến tàu mắc cạn.
Trong ngày 8/1, nhiều khu vực của Ai Cập, bao gồm cả các tỉnh miền Bắc, đã hứng chịu thời tiết xấu.
[Tàu mắc cạn khiến lưu thông qua kênh đào Suez bị tắc nghẽn]
Dữ liệu theo dõi vệ tinh cho thấy tàu MV Glory mắc cạn ở đoạn kênh một làn của kênh đào Suez, phía Nam thành phố Port Said trên Địa Trung Hải.
Theo Trung tâm Điều phối chung (JCC) ngoài khơi Istanbul, cơ quan giám sát thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraine, tàu MV Glory chở hơn 65.000 tấn ngô từ Ukraine, được JCC kiểm tra và cho phép đi qua vào ngày 3/1 vừa qua. Tàu dài 225 mét.
Giám đốc Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie cho biết vụ việc không ảnh hưởng đến giao thông trên kênh đào Suez.
Dự kiến, 21 tàu đi qua kênh đào Suez theo hướng Nam có thể tiếp tục hành trình nhưng lịch trình có thể bị chậm lại.
Đây không phải là sự cố mắc cạn tàu đầu tiên trên kênh đào Suez. Tháng 3/2021, tàu container khổng lồ Ever Given treo cờ Panama đã đâm chéo vào bờ kênh ở một đoạn kênh một làn và mắc cạn trên bờ cát, làm tắc nghẽn tuyến hàng hải qua kênh đào Suez trong 6 ngày.
Ever Given đã được giải cứu trong một chiến dịch cứu hộ quy mô lớn với sự tham gia của một đội tàu lai dắt.
Sự cố này đã gây thiệt hại 9 tỷ USD mỗi ngày cho thương mại toàn cầu và làm căng thẳng chuỗi cung ứng vốn đã bị đứt gãy nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Khai trương vào năm 1869, kênh đào Suez là một tuyến vận tải quan trọng đối với dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và hàng hóa. Kênh đào này cũng là một trong những nguồn thu ngoại tệ hàng đầu của Ai Cập.
Vào năm 2015, chính phủ của Tổng thống Abdel-Fattah el-Sissi đã hoàn thành việc mở rộng kênh đào, cho phép kênh đào tiếp nhận những con tàu lớn nhất thế giới./.