Ngày 16/5, công ty khởi nghiệp Lilium thông báo đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm đầu tiên với chiếc "taxi bay" 5 chỗ phiên bản mẫu.
Đây được xem thành công lớn của công ty có trụ sở tại thành phố Munich (Đức) này với mục tiêu cung cấp dịch vụ "taxi bay" vào năm 2025 nhằm tạo sự thuận lợi cho các hành khách qua lại giữa các thành phố mà không gặp rắc rối khi làm thủ tục tại sân bay.
Đoạn phim được công ty Lilium cung cấp cho thấy chiếc máy bay chạy bằng điện, được vận hành bằng điều khiển từ xa, cất cánh theo chiều thẳng đứng như trực thăng, bay lượn trên không trung và sau đó hạ cánh tại một sân bay ở Munich. Chuyến bay thử nghiệm này được tiến hành hôm 4/5 vừa qua.
Giám đốc điều hành (CEO) và là nhà đồng sáng lập Lilium Daniel Wiegand chia sẻ: "Trong vòng chưa đầy 2 năm, chúng tôi đã có thể thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thành công một chiếc máy bay sẽ đóng vai trò kiểu mẫu cho việc sản xuất hàng loạt."
[Taxi bay sẽ hiện hữu trong tương lai gần nhằm giảm ùn tắc giao thông]
Hồi năm 2017, Lilium cũng đã thực hiện thành công một số chuyến bay thử nghiệm đối với phiên bản "taxi bay" 2 chỗ ngồi, có khả năng chuyển đổi thành công giữa chế độ bay lượn và bay ngang.
Theo Lilium, "taxi bay" của hãng hoàn toàn chạy bằng điện, một thành phần quan trọng trong việc tạo ra một chiếc xe sử dụng năng lượng bền vững di chuyển trong các thành phố với tác động sinh thái ở mức tối thiểu.
Hãng cho biết chiếc ôtô bay này có thể bay được quãng đường 300km cho một lần sạc đầy với tốc độ tối đa 300km/h. Điều này mang đến khá nhiều lợi ích khi tiết kiệm thời gian di chuyển nội đô.
Lilium được CEO Wiegand cùng 3 người bạn đến từ Đại học Kỹ thuật Munich thành lập hồi năm 2015 với mục tiêu biến "ôtô bay" trở thành hình thức vận tải đô thị phổ biến qua việc cách mạng hóa phương thức mà con người di chuyển quanh các thành phố.
Hiện Lilium đã huy động được 100 triệu USD để tài trợ cho hoạt động phát triển dịch vụ "taxi bay."
Công ty khởi nghiệp này đang chờ được cấp giấy chứng nhận theo quy định mẫu máy bay cất cánh, hạ cánh thẳng đứng và chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên trên thế giới./.