Tây Ban Nha kêu gọi thiết lập quy tắc chung của EU về mở cửa biên giới

Tây Ban Nha đã hối thúc các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) thiết lập những quy tắc chung về mở cửa biên giới và khôi phục khu vực tự do đi lại Schengen.
Cảnh sát Đức kiểm tra các phương tiện tại khu vực cửa khẩu biên giới Đức-Áo gần Freilassing, miền Nam Đức nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 16/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát Đức kiểm tra các phương tiện tại khu vực cửa khẩu biên giới Đức-Áo gần Freilassing, miền Nam Đức nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 16/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/5, Tây Ban Nha đã hối thúc các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) thiết lập những quy tắc chung về mở cửa biên giới và khôi phục khu vực tự do đi lại Schengen trong bối cảnh nhiều quốc gia đang từng bước dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu trên đài phát thanh Cadena Ser, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez nêu rõ: "Chúng ta phải hợp tác với các đối tác châu Âu để vạch ra những quy tắc chung, theo đó cho phép chúng ta khôi phục việc tự do di chuyển trên lãnh thổ châu Âu."

Theo bà Ganzalez, kể cả khi các nước EU đã ấn định những thời điểm khác nhau để tái mở cửa biên giới, vẫn cần phải có những quy tắc và luật lệ chung đối với khu vực Schengen để mở cửa các biện giới nội địa và thiết lập các quy định đối với biên giới bên ngoài.

Trong diễn biến khác, cùng ngày, truyền thông Đức đưa tin chính phủ nước này dự định tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội kể từ ngày 29/6, sớm hơn một tuần so với kế hoạch đưa ra trước đó cũng như hướng tới việc dỡ bỏ cảnh báo du lịch đối với 31 quốc gia châu Âu kể từ giữa tháng Sáu tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, hãng tin DPA của Đức đưa tin trong ngày 27/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có cuộc thảo luận trực tuyến với lãnh đạo các bang ở Đức về các bước nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội, được áp đặt từ hồi tháng Ba vừa qua nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Tại cuộc họp lần này, thủ hiến 16 bang ở Đức sẽ nỗ lực đạt được sự nhất trí chung với Thủ tướng Merkel về các biện pháp cân bằng khôi phục nền kinh tế đầu tàu châu Âu này, vốn đang rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai cũng như các biện pháp đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Trong khi đó, theo báo Bild (Hình ảnh) của Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí kéo dài thời hạn giãn cách xã hội đến ngày 29/6 thay vì thời hạn đưa ra trước đó là ngày 5/7.

Tuy nhiên, bà Merkel cũng kêu gọi một sự thận trọng và cảnh báo về nguy cơ xảy ra một làn sóng lây nhiễm mới.

[Các nước châu Âu từng bước nới lỏng biện pháp phòng dịch COVID-19]

Ngoài ra, hãng tin DPA cũng cho biết Chính phủ Đức đang có kế hoạch dỡ bỏ cảnh báo du lịch đối với 31 quốc gia châu Âu kể từ ngày 15/6 tới với điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 nằm trong sự kiểm soát cho phép.

Theo đó, Đức sẽ nối lại hoạt động du lịch đối với 26 nước thành viên EU khác và Anh cũng như 4 quốc gia nằm ngoài EU trong khu vực miễn thị thực Schengen gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.

Trước đó hôm 18/5, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết Berlin đang hy vọng sẽ dỡ bỏ dần cảnh báo du lịch đối với tất cả các chuyến du lịch nước ngoài từ nay cho đến ngày 15/6 nhằm giúp ngành du lịch hồi sinh, cũng như góp phần phục hồi và ổn định kinh tế sau ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.

Tại Thụy Điển, các chuyên gia kinh tế cảnh báo suy thoái kinh tế mạnh và thất nghiệp sẽ gia tăng dù nước này không áp dụng các biện pháp cách ly trong đại dịch COVID-19.

Hãng tin Bloomberg đưa tin tình trang suy thoái kinh tế tại nước này trầm trọng đến mức các nhà kinh tế lo ngại nó sẽ biến thành cuộc khủng hoảng lớn. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Tư, không điều chỉnh theo mùa, đã lên đến 7,9%, cao hơn đáng kể so với dự báo.

Dự kiến các chỉ số trong lĩnh vực kinh doanh du lịch và nhà hàng cũng giảm sút. Theo chuyên gia phân tích Johann Jensson của Bloomberg, Thụy Điển có thể phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đáng kể. Nếu nhu cầu không tăng trong tương lai gần, tỷ lệ thất nghiệp có thể lên đến 17%.

Trong khi đó, Chính phủ Thụy Điển tiếp tục xây dựng dự luật đơn giản hóa việc sa thải nhân viên. Tuy nhiên, sáng kiến này đã dẫn tới các cuộc biểu tình của nghiệp đoàn và lực lượng đối lập.

Theo trang worldometers.info, tới nay, Thụy Điển đã ghi nhận gần 34.000 trường hợp nhiễm COVID-19 và hơn 4.000 bệnh nhân đã tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.