Ngày 2/8, Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia làm việc với các tỉnh vùng Tây Nguyên về tình hình triển khai các Chương trình Mục tiêu Quốc gia 7 tháng năm 2024 và Nghị quyết 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội khóa XV tại vùng Tây Nguyên đã diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, các địa phương vùng Tây Nguyên đã ban hành đầy đủ cơ chế, chính sách để quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn làm căn cứ, cơ sở thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Tây Nguyên là vùng ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia đầy đủ trên cả nước.
Về phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ 5 tỉnh Tây Nguyên tổng số vốn trên 5.542,965 tỷ đồng. Vốn đầu tư phát triển là 3.423,983 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 2.118,982 tỷ đồng.
Đến nay, các địa phương trong vùng đã giao 3.227,695 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 99% kế hoạch, phân bổ chi tiết dự toán vốn sự nghiệp đạt 100% dự toán cho các đơn vị cấp trực thuộc.
Ngoài ra, các địa phương trong vùng đã bố trí đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia với tổng số 1.574,255 tỷ đồng. Các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông bố trí trên 300 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình.
Trong 7 tháng năm 2024, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã giải ngân ước đạt khoảng 1.532,6 tỷ đồng, đạt 36,45% kế hoạch (bao gồm cả vốn đầu tư của các năm trước kéo dài sang năm 2024).
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của từng Chương trình Mục tiêu Quốc gia tại vùng tương đối cân bằng; trong đó Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, khoảng 38%.
Hiện khu vực Tây Nguyên có khoảng 373 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 16 tiêu chí/xã; có 10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 giảm từ 3-4% so với năm 2023.
Theo đánh giá của ngành chức năng, quá trình thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia trong 7 tháng năm 2024 tại Tây Nguyên có nhiều thuận lợi thông qua việc triển khai Nghị quyết số 111/2024/QH15. Qua đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia năm 2024 đạt tỷ lệ cao hơn mặt bằng chung của cả nước và so với cùng kỳ năm trước.
Một số nội dung đã được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 111/2024/QH15; đồng thời, Nghị quyết này cũng phân cấp cho địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư và dự toán ngân sách nhà nước, giúp các địa phương giảm thiểu khó khăn, vướng mắc. Từ đó, các kiến nghị gửi về các Bộ, cơ quan Trung ương đã thấp hơn trước.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương vùng Tây Nguyên đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ trong quá trình triển khai 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia và Nghị quyết 111/2024/QH15.
Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, Quyết định điều chỉnh, bổ sung đối với 83 thôn, buôn đạt tiêu chí thôn, buôn đặc biệt khó khăn sau khi chia tách, sáp nhập, giải thể hoặc đổi tên vẫn chưa được ban hành; do vậy, các địa phương không có cơ sở triển khai chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này.
Bộ tiêu chí xã, huyện giai đoạn 2021-2025 yêu cầu cao hơn và thêm mới nhiều tiêu chí so với giai đoạn trước; một số tiêu chí chưa phù hợp với điều kiện thực tế của một số địa phương, gây khó khăn cho quá trình thực hiện, thẩm định và công nhận.
Quá trình thực hiện Nghị quyết 111/2024/QH15 còn gặp lúng túng, khó khăn như: việc điều chuyển vốn giữa các dự án thành phần thuộc các Chương trình Mục tiêu Quốc gia sẽ làm thay đổi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của các dự án đó; chưa có quy định về trình tự, thủ tục bố trí kế hoạch vốn đầu tư công ngân sách địa phương trung hạn, hằng năm ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội khi không phải lập danh mục chương trình, dự án theo quy định tại Luật Đầu tư công và chính sách tín dụng ưu đãi cho đối tượng vay vốn là “hộ có mức sống trung bình"...
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phản hồi bước đầu về những đề xuất, kiến nghị của các địa phương vùng Tây Nguyên; cập nhật tiến độ xây dựng một số văn bản hướng dẫn chưa được ban hành.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh tổng vốn sự nghiệp năm 2024 là khoảng 53.000 tỷ đồng nhưng đến nay, giải ngân bình quân chung cả nước mới đạt 29%, thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Đối với khu vực Tây Nguyên, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp còn rất thấp, chưa đầy 5%. Vì vậy, các địa phương vùng Tây Nguyên phải nỗ lực, quyết tâm hơn rất nhiều vì nguồn vốn sự nghiệp cho vùng không lớn nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, là nguồn hỗ trợ đối với hộ nghèo, người yếu thế và đối tượng chính sách khác một cách trực tiếp.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương vùng Tây Nguyên cố gắng giải ngân theo kế hoạch vốn được giao, không xin thêm; làm ngay những việc có thể làm.
Với kiến nghị của các địa phương, chậm nhất chiều 9/8/2024 gửi các ý kiến, kiến nghị tại hội nghị bằng văn bản đến Văn phòng Chính phủ để tổng hợp gửi các bộ, ngành xử lý.
Các địa phương sau khi nhận văn bản trả lời, nếu còn chỗ nào chưa hiểu thì phản hồi lại để cùng giải quyết. Đối với các bộ, ngành Trung ương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu sớm hoàn thiện một số văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa ban hành để trình cấp có thẩm quyền ban hành ngay trong tháng 8/2024.
Về định hướng phân bổ vốn thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia cho các địa phương trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện phân bổ vốn dựa trên kết quả giải ngân của giai đoạn hiện nay bởi mục tiêu chỉ có thể đạt được khi nỗ lực từ nhiều phía, trong đó có các địa phương./.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Cần có cơ chế đặc biệt để vùng Tây Nguyên ổn định
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu vùng Tây Nguyên cần có cơ chế ứng xử linh hoạt, tránh xung đột, công tác quy hoạch phải được định hướng, tạo ra không gian phát triển.