Tây Ninh công bố cửa khẩu Chàng Riệc là cửa khẩu chính

Ngày 24/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ công bố cửa khẩu Chàng Riệc (ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Tây Ninh) là cửa khẩu chính.
Tây Ninh công bố cửa khẩu Chàng Riệc là cửa khẩu chính ảnh 1Quang cảnh cửa khẩu Chàng Riệc trong ngày lễ công bố. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Ngày 24/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ công bố cửa khẩu Chàng Riệc (ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Tây Ninh) là cửa khẩu chính.

Tham dự có đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Campuchia, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và Tỉnh trưởng tỉnh Tboung Khmum (Vương quốc Campuchia).

Ông Trang Văn Lý, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh là tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, có đường biên giới dài khoảng 240 km, giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia là Svay Rieng, Prey Veng và Tboung Khmum.

Việc hình thành và từng bước nâng cấp, phát triển các cửa khẩu giữa các tỉnh giáp biên giới của 2 nước là quá trình tất yếu. Các cửa khẩu này đã tạo điều thuận lợi cho cư dân biên giới qua lại, trao đổi, giao thương hàng hóa nông sản, phát triển biên mậu, xuất nhập khẩu giữa 2 nước.

Trên cơ sở ký kết thỏa thuận giữa 2 bên, ngày 30/9/2012 Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định mở các cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới của tỉnh, trong đó có cửa khẩu phụ Chàng Riệc.

Ngày 31/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP, nâng cấp cửa khẩu phụ Chàng Riệc lên thành cửa khẩu chính.

Cửa khẩu chính Chàng Riệc cách tỉnh lộ 792 của huyện Tân Biên (Tây Ninh) khoảng 100 m, gần cột mốc biên giới số 110, tiếp giáp với cửa khẩu Đa, thuộc xã Đa, huyện Me Mot, tỉnh Tbung Khmum (Campuchia) và cách quốc lộ 7 của Campuchia khoảng 1km.

Cửa khẩu Chàng Riệc nằm ở vị trí thuận lợi, cùng với được đầu tư cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, hệ thống thiết bị công nghệ thông tin, nhà kiểm soát liên hợp cho các cơ quan chức năng làm việc, đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cư dân biên giới hai bên giao lưu thương mại ngày càng phát triển.

Theo ghi nhận của ngành Hải quan Tây Ninh, lưu lượng hàng hóa và kim ngạch xuất, nhập khẩu qua lại cửa khẩu Chàng Riệc hàng năm đều tăng. Năm 2015 có 98.588 lượt người và 71.063 lượt phương tiện xuất, nhập khẩu với tổng kim ngạch đạt 560 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu qua cửa khẩu Chàng Riệc chủ yếu là hàng tiêu dùng do Việt Nam sản xuất như: Đồ gia dụng, tạp hóa, trái cây, thức ăn gia súc, gia cầm, hàng tiểu thủ công nghiệp... Hàng nhập khẩu chủ yếu là nông sản, sắn lát, củ sắn tươi, đậu nành, ngô hạt, hạt điều, vừng, gỗ xẻ...

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có 2 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài, Xa Mát; 2 cửa khẩu chính Kà Tum, Chàng Riệc và 12 cửa khẩu phụ.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân khẳng định, những năm qua cửa khẩu Chàng Riệc đã khai thác, phát huy tốt lợi thế, phục vụ nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa của nhân dân và doanh nghiệp hai bên, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng nhu cầu giao lưu cũng như hợp tác thương mại, xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đề nghị tỉnh Tboung Khmum và các cơ quan chức năng quản lý cặp cửa khẩu Chàng Riệc​-Đa, tiếp tục tổ chức phối hợp tốt trong việc triển khai các hoạt động quản lý, đúng với quy định trong thỏa thuận song phương giữa hai nước Việt Nam-Campuchia về cửa khẩu chính, để hỗ trợ nhau trong việc giao lưu thương mại, phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.