Tây Ninh: Cơ bản giải quyết tình trạng ứ đọng đàn lợn quá lứa

Tây Ninh: Mỗi ngày tiêu thụ trên 2.000 con lợn thịt cho nông dân

Hiện mỗi ngày doanh nghiệp giúp tiêu thụ 2.000 con lợn cho nông dân ở Tây Ninh, cơ bản giải quyết tình trạng ứ đọng đàn lợn quá lứa tại các trang trại và hộ chăn nuôi.
Tây Ninh: Mỗi ngày tiêu thụ trên 2.000 con lợn thịt cho nông dân ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Mấy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tiêu thụ trên 2.000 con lợn (sản lượng đạt trên 200 tấn thịt).

Trong đó, sản lượng giết mổ, tiêu thụ trong tỉnh là 1.000 con (trên 100 tấn thịt hơi/ngày và xuất sang thị trường Campuchia bằng đường tiểu ngạch khoảng 1.000 con/ngày (trọng lượng từ 100-103 kg/con).

Như vậy, với số lượng đầu lợn được tiêu thụ đều đặn mỗi ngày như hiện nay, các doanh nghiệp cơ bản giải quyết tình trạng ứ đọng đàn lợn quá lứa tại các trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong tỉnh.

Tuy nhiên, thời gian qua, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh giảm gần 50% so cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, giá lợn hơi loại 1 hiện chỉ bán với giá 26.000 đồng/kg, trong khi giá lợn hơi cùng kỳ năm ngoái đạt khoảng 45.000 đồng/kg.

Do ảnh hưởng chung của thị trường cả nước nên các hộ chăn nuôi lợn trong tỉnh thua lỗ từ 11.000-14.000 đồng/kg so với giá thành. Trong khi đó, giá thịt lợn bán cho người tiêu dùng tại các siêu thị, chợ chỉ giảm nhẹ (bình quân chỉ giảm 5.000 đồng/kg thịt các loại).

Như vậy, người tiêu dùng phải mua sản phẩm thịt giá cao. Đây là điều bất hợp lý hiện nay, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh cho biết thêm.

Nói về giải pháp lâu dài, ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, trong đề án phát triển chăn nuôi lợn giai đoạn 2017-2020, tỉnh định hướng sẽ rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch ngành chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.

Cách làm này nhằm bảo đảm tổng đàn có cơ cấu hợp lý, không để phát triển nóng ngành chăn nuôi. Địa phương khuyến khích chăn nuôi tập trung, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán; đi vào quản lý chất lượng con giống theo hướng tăng trọng nhanh, thịt nhiều, tiêu tốn thức ăn ít để giảm giá thành trong chăn nuôi...

[Đồng Nai còn hơn 300.000 con lợn xấp xỉ 1 tạ cần được "giải cứu"]

Theo ông Sơn, toàn tỉnh hiện có 8 trang trại (mỗi trang trại đạt khoảng 2.200 con) chăn nuôi lợn được công nhận cơ sở an toàn vệ sinh dịch bệnh và 10 trang trại được cấp giấy chứng nhận VietGap.

Đến cuối năm 2017, tỉnh sẽ nâng lên 30 trang trại được công nhận VietGap. Đây là điều kiện thuận lợi để các cơ sở chăn nuôi lợn tiêu thụ được sản phẩm chăn nuôi dễ dàng, hướng tới mở rộng xuất khẩu sang thị trường Campuchia.

Tại tỉnh Kiên Giang, tổng số lượng đàn lợn trên địa bàn tỉnh trên 328.000 con (tăng 1,10% so với năm trước); trong đó, đàn lợn nái trên 48.000 con, lợn thịt trên 280.000 con. Do thị trường tiêu thụ khó khăn đã đẩy hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn trên địa tỉnh Kiên Giang lỗ vốn và phải “treo chuồng.”

Bà Nguyễn Mỹ Trinh, người nuôi lợn ngụ ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng cho biết, giá lợn trước đây thấp cũng ở giá 4-4,5 triệu đồng/100kg người nuôi có lãi, giờ xuống thấp quá người chăn nuôi lợn lỗ vốn. Từ lợn nhà đẻ ra nuôi còn lỗ từ 500-600 đồng/100kg, nếu mua lợn con nuôi thì phải lỗ gần 1 triệu đồng/100kg.

Theo bà Trinh, giờ người nuôi lợn chỉ trông chờ vào Nhà nước sớm giúp người chăn nuôi ổn định lại giá, để tiếp tục chăn nuôi, bù lại số tiền đã lỗ vốn, nếu tình trạng kéo dài thì người dân chỉ còn cách “treo chuồng.”

Hiện nay, toàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 40% số hộ chăn nuôi lợn sẽ không tiếp tục tái đàn. Một nghịch lý của giá lợn thịt hiện nay là giá lợn hơi sụt giảm mạnh, trong khi đó giá lợn bán ở các sạp vẫn ổn định ở mức cao.

Theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, lộ trình từ nay đến năm 2020 Kiên Giang sẽ tăng giá trị sản xuất trong chăn nuôi đạt 9,5%/năm và cơ cấu giá trị sản xuất từ chăn nuôi đạt 15,3% trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục