Tây Ninh: Nông dân phá bỏ gần 2.000ha cao su để trồng cây khác

Do giá thu mua mủ cao su giảm mạnh, trồng cao su không còn có lãi, nên các chủ vườn cao su ở Tây Ninh đã ồ ạt phá bỏ gần 2.000ha cao su để chuyển sang trồng cây khác.
Tây Ninh: Nông dân phá bỏ gần 2.000ha cao su để trồng cây khác ảnh 1Thu hoạch mủ cao su tại Tây Ninh. (Nguồn: TTXVN)

Do giá thu mua mủ cao su giảm mạnh, trồng cao su không còn có lãi, nên các chủ vườn cao su ở Tây Ninh đã ồ ạt phá bỏ vườn cao su, bất kể cây còn non hay đang cho lấy mủ để chuyển sang trồng cây khác.

Ông Vương Quốc Thới, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết tính đến tháng 6/2014, tổng diện tích vườn cao su bị người dân đốn bỏ trên địa bàn toàn tỉnh khoảng gần 2.000ha.

Trong đó, nhiều nhất là huyện Tân Châu khoảng 700ha, Tân Biên 600ha, Châu Thành trên 70 ha. Diện tích cao su bị chặt bỏ có độ tuổi từ 5 năm trở xuống khoảng gần 300ha, số còn lại là cao su đã cho khai thác từ 10 năm trở lên.

Ngoài ra, còn có gần 200ha cao su 2-3 năm tuổi bị nông dân chặt ngọn, không khai thác để giữ đất trồng sắn.

Lý do dẫn đến tình trạng người phá bỏ hàng loạt diện tích cao su là do giá cao su vài năm trở lại đây liên tục giảm mạnh từ 90.000 đồng/kg quy khô (năm 2011) xuống hiện nay chỉ còn 28.000 đồng/kg.

Tiền thu từ bán mủ không đủ để trả tiền công thu hoạch mủ và chăm sóc lại vườn cây, nên nông dân đốn cao su để trồng sắn hoặc cây trồng khác.

Cũng theo ông Vương Quốc Thới, những năm trước đây do giá mủ cao su cao dẫn đến hiện tượng người dân ồ ạt trồng cao su.

Tính đến cuối năm 2013 diện tích trồng cao su trên địa bàn toàn tỉnh đạt 98.170ha, vượt 13.770 so với quy hoạch đến 2015 (diện tích quy hoạch đến 2015 là 84.400ha).

Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các huyện, thành phố, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh cây cao su quản lý và thực hiện tốt quy hoạch cây trồng của tỉnh; tăng cường tuyên truyền cho người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hạn chế thấp nhất tình trạng chặt phá cây cao su non, gây thiệt hại đến kinh tế.

Đồng thời, áp dụng nhiều biện pháp canh tác bền vững trong các khâu chăm sóc, bón phân, khai thác để tăng sản lượng, giảm giá thành sản phẩm góp phần tăng giá trị sản xuất. Các nhà máy chế biến trên địa bàn đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất qua chế biến để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục