Tây Ninh sắp có thêm 3 nhà máy sản xuất sản phẩm sau tinh bột sắn

Tây Ninh có công văn chấp thuận chủ trương cho phép xây dựng ba nhà máy chế biến tinh bột sắn biến tính có công suất 150 tấn bột/ngày/nhà máy.
Tây Ninh sắp có thêm 3 nhà máy sản xuất sản phẩm sau tinh bột sắn ảnh 1(Ảnh minh họa: Thanh Long/TTXVN)

Ngày 8/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh có công văn chấp thuận chủ trương cho các công ty Trách nhiệm hữu hạn Trường Hưng, Trường Thịnh và Việt Mã cùng có trụ sở tại huyện Tân Châu (Tây Ninh) được phép xây dựng ba nhà máy chế biến tinh bột sắn biến tính có công suất 150 tấn bột/ngày/nhà máy; tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng/nhà máy.

Đây là ba nhà máy chế biến bột sắn biến tính đầu tiên được đầu tư xây dựng tại Tây Ninh, cho ra sản phẩm nguyên liệu cao cấp sau tinh bột sắn thông thường, nhằm thay thế nguyên liệu nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu cho các ngành sản xuất trong nước như dược phẩm, công nghệ dệt, thực phẩm, sản xuất bột giấy, thức ăn chăn nuôi...

Theo Sở Công Thương Tây Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có 74 cơ sở chế biến tinh bột sắn với tổng công suất đạt gần 800.000 tấn bột/năm.

Thị trường xuất khẩu mặt hàng này đang gặp khó khăn do phía doanh nghiệp Trung Quốc hạn chế thu mua và ép giá, trong khi nguồn nguyên liệu bột sắn biến tính (sản phẩm sau tinh bột sắn) các doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu với giá cao gấp 1,5 lần so với giá bột sắn thông thường để sản xuất.

Việc đầu tư thêm công nghệ để chế biến ra sản phẩm cao cấp sau nguyên liệu thông thường đã mở hướng cho các doanh nghiệp chế biến bột sắn ở Tây Ninh nâng cao được giá trị sản phẩm; đồng thời chuyển hướng từ thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc về tiêu thụ trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.