Tây Ninh: Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang thị trường Singapore

Buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore (SFA) với tỉnh Tây Ninh là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chăn nuôi tìm hiểu xuất khẩu sang Singapore.

Đoàn công tác của Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore (SFA) và Thương vụ Việt Nam tại Singapore, cùng các sở, ngành của tỉnh Tây Ninh tham quan quy trình sản xuất trứng gà của Công ty TNHH QL VietNam Agroresources tại ấp Thanh Xuân, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)
Đoàn công tác của Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore (SFA) và Thương vụ Việt Nam tại Singapore, cùng các sở, ngành của tỉnh Tây Ninh tham quan quy trình sản xuất trứng gà của Công ty TNHH QL VietNam Agroresources tại ấp Thanh Xuân, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Ngày 11/7/2024, Đoàn công tác của Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore (SFA) và Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh và đại diện doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu các quy chuẩn chăn nuôi tại Tây Ninh, nhằm tìm hướng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang thị trường Singapore.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Văn Chiến đã giới thiệu khái quát với đoàn công tác về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên của Tây Ninh với nhiều thuận lợi trong công tác phát triển ngành chăn nuôi.

Đặc biệt là công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, bảo đảm an toàn dịch bệnh, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu đến một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore (SFA) và Thương vụ Việt Nam tại Singapore với tỉnh Tây Ninh là cơ hội cho các cơ quan chức năng, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gia súc, gia cầm của tỉnh tìm hiểu và có cơ hội mở rộng môi trường xuất khẩu vào thị trường Singapore; đồng thời, tìm ra giải pháp tốt nhất nhằm đưa hoạt động xuất khẩu động vật và các sản phẩm từ động vật của Tây Ninh ngày càng phát triển bền vững.

Tiến sỹ Abdul Jalil Abdul Kader, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore cùng các thành viên trong đoàn đã đặt ra một số câu hỏi về công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, các biện pháp kiểm tra, giám sát chăn nuôi, sản xuất và chế biến các sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Cũng trong ngày làm việc, Đoàn công tác của Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore (SFA) và Thương vụ Việt Nam tại Singapore, cùng các sở, ngành của tỉnh đã đến tham quan, tìm hiểu về quy trình sản xuất của trang trại chăn nuôi và sản xuất trứng gà thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn QL VietNam Agroresources, tại ấp Thanh Xuân, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh với quy mô chăn nuôi 1,5 triệu con gà đẻ trứng, sản lượng 550 triệu quả trứng/năm (chiếm 61% sản lượng trứng gà của tỉnh).

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay đang phát triển ổn định, tổng đàn gia cầm khoảng 9,9 triệu con.

Ước tổng sản lượng thịt gia cầm 62.460 tấn/năm; sản lượng trứng đạt 900 triệu quả/năm.

Toàn tỉnh hiện có 2 huyện là Dương Minh Châu và Tân Châu được chứng nhận vùng An toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 6 xã thuộc huyện Gò Dầu được chứng nhận cơ sở An toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm và Newcastle trên gà.

Ngoài ra, có 49 cơ sở chăn nuôi gà được cấp giấy chứng nhận An toàn dịch bệnh.

Dự kiến đến tháng 12 năm 2024, tỉnh sẽ có thêm 2 vùng An toàn dịch bệnh cấp huyện đối với bệnh Cúm gia cầm và Newcastle trên gà là huyện Tân Biên và Gò Dầu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh cũng cho biết công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được người chăn nuôi và cơ quan chuyên môn của tỉnh đặc biệt quan tâm và đây là hoạt động được triển khai thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến nay không xảy ra bệnh cúm gia cầm A/H5N1.

“Các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra các nội dung điều kiện vệ sinh thú y tại cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; kiểm soát giết mổ; tiêm phòng và tiêu độc sát trùng bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.