Thách thức của Đông Nam Á trong cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung

Việc chia tách công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ nhiều khả năng sẽ là một động thái không có lợi đối với các vấn đề còn đang tồn tại trong khu vực ASEAN như các vấn đề về thương mại.
Thách thức của Đông Nam Á trong cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Twitter)

Theo trang mạng lowyinstitute.org, những diễn biến gần đây cho thấy cả Trung Quốc lẫn Mỹ đang áp dụng các biện pháp bước hướng tới việc tháo gỡ hoặc “chia tách” các hệ sinh thái công nghệ của họ.

Không lĩnh vực nào thể hiện điều này rõ ràng hơn ngành công nghiệp bán dẫn - vốn có vai trò sản xuất các loại chip sử dụng để vận hành điện thoại thông minh và ôtô, đồng thời cũng được coi là trụ cột của nền kinh tế toàn cầu ngày càng được số hóa.

Tác động của quá trình chia tách công nghệ sẽ không hề nhỏ. Một nghiên cứu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hồi tháng 3/2021 cho thấy các nền kinh tế chủ chốt của thế giới nhiều khả năng sẽ phải chịu mức thất thoát Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 5%.

Đối với khu vực Đông Nam Á, việc chia tách công nghệ  giữa Trung Quốc và Mỹ nhiều khả năng sẽ là một động thái không có lợi đối với các vấn đề còn đang tồn tại trong khu vực, chẳng hạn như thương mại và các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Đích đến của quá trình chia tách công nghệ

Trong suốt năm vừa qua, các báo cáo truyền thông đã chỉ ra những mặt trận mới đang mở ra trong cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung, chẳng hạn như mạng viễn thông 5G. Tuy nhiên, những diễn biến này nhấn mạnh xu hướng lớn hơn về mong muốn lâu nay của Trung Quốc “cai nghiện” với các nhà cung cấp công nghệ nước ngoài.

Kế hoạch “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc 2025) được khởi động vào năm 2015 đặt ra mục tiêu đầy tham vọng của các công ty Trung Quốc sẽ cung cấp 70% linh kiện và vật liệu sản xuất công nghệ trong nước chỉ trong vòng một thập kỷ. Tuy nhiên, “tự cung tự cấp” vẫn là một mục tiêu khó nắm bắt. Do đó, việc Trung Quốc đề ra Chiến lược Tầm nhìn 2035 - đòi hỏi “những đột phá lớn trong công nghệ cốt lõi”, đặc biệt là trong các lĩnh vực cạnh tranh mới với Mỹ như trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử - không phải điều bất ngờ.

Về phần Mỹ, hiện vẫn chưa rõ chính quyền ông Biden sẽ tiếp cận cuộc chia tách công nghệ với Trung Quốc như thế nào. Sắc lệnh hành pháp mới đây nhằm đánh giá lại các chuỗi cung ứng cho thấy Biden đang có dấu hiệu kế tiếp các chính sách của chính quyền ông Trump, theo đó tìm cách “tuyên chiến” với Trung Quốc.

Nhận thức này đã được củng cố bằng việc bổ sung 7 tập đoàn siêu máy tính của Trung Quốc vào Danh sách thực thể của Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 4/2021, theo đó cắt bỏ hoàn toàn quyền tiếp cận của các tập đoàn này với công nghệ của Mỹ. Hơn nữa, chính quyền Biden đã tuyên bố mong muốn nuôi dưỡng một liên minh “các nền dân chủ công nghệ."

Các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Đông Nam Á có thể sẽ phải chịu áp lực hỗ trợ kế hoạch này, theo đó thậm chí dường như còn có phạm vi rộng hơn so với Sáng kiến Mạng lưới sạch của chính quyền ông Trump.

Không nhất thiết phải liên kết

Tuy nhiên, lợi ích của các nước Đông Nam Á có thể không nhất thiết phải phù hợp với lợi ích của Mỹ trong toàn bộ các vấn đề mà một liên minh các nền dân chủ công nghệ dự kiến sẽ giải quyết.

Ví dụ, lĩnh vực trọng tâm của một liên minh như vậy nhiều khả năng sẽ là đối chọi với Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số (DSR) của Trung Quốc.

Ra mắt vào năm 2015 như một phiên bản kỹ thuật số của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), DSR thực sự là một “nỗ lực bảo trợ thương hiệu” cho các thỏa thuận hợp tác đưa cơ sở hạ tầng và công nghệ kỹ thuật số của Trung Quốc ra nước ngoài.

[Kỳ vọng xung lực mới cho quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc]

Với việc Lào, Malaysia và Myanmar đang có các thỏa thuận DSR chính thức, đồng thời một số quốc gia khác cũng tham gia vào các sáng kiến liên quan đến DSR, khu vực Đông Nam Á dường như đã tự nhận thấy sai lầm trong các biện pháp bảo hộ tương lai nhằm kiềm chế DSR.

Việc Đông Nam Á tham gia các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc cũng sẽ mâu thuẫn với sự phụ thuộc của khu vực này vào Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Các quốc gia trong khu vực khó có thể từ bỏ các thỏa thuận hiện hành với Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ vẫn chưa đưa ra các giải pháp thay thế hiệu quả.

Lộ trình gập ghềnh phía trước

Trước thực tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chậm chạp trong việc vượt ra ngoài các cuộc thảo luận và hướng tới phối hợp, khu vực này - ít nhất là trong ngắn hạn - khó có thể tạo ra một môi trường pháp lý và quy định hài hòa cần thiết nhằm chống lại các biện pháp bảo hộ phát sinh từ cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung.

Singapore đã trở thành một ngoại lệ trong vấn đề này khi theo đuổi các thỏa thuận kinh tế kỹ thuật số, trước tiên là với Chile và New Zealand vào tháng 6/2020, tiếp theo là Australia vào tháng 12/2020.

Ngược lại, Hiệp ước đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mang tính cột mốc - được ký kết vào tháng 11/2020 giữa các quốc gia thành viên ASEAN, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc - đã đề ra một số điều khoản có ý nghĩa đối với các luồng dữ liệu xuyên biên giới.

Tuy nhiên, việc thông qua Khuôn khổ quản lý dữ liệu ASEAN và các Điều khoản hợp đồng mẫu cho các luồng dữ liệu xuyên biên giới tại Hội nghị các Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN lần thứ nhất vào tháng 1/2021 chắc chắn là những bước đi đúng hướng. Mặc dù đây là các biện pháp tự nguyện mà không phải ràng buộc, nhưng sẽ không thực tế nếu mong đợi ASEAN tiếp bước Liên minh châu Âu (EU) trong việc ban hành các quy định và luật pháp siêu quốc gia.

Mặc dù vậy, con đường phía trước có thể sẽ còn nhiều chướng ngại, đặc biệt là khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Trung Quốc ngày càng liên kết chặt chẽ với khu vực này. Chẳng hạn, Tập đoàn Alibaba Cloud của Trung Quốc đã vận hành các trung tâm dữ liệu địa phương ở Malaysia từ năm 2017 và Indonesia từ năm 2018, không giống như các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây của Mỹ ở khu vực này, trong đó hầu hết có trụ sở tại Singapore.

Ngoài ra, bất chấp những nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục các đồng minh và đối tác cấm các nhà cung cấp công nghệ 5G của Trung Quốc, song các công ty như Huawei và ZTE vẫn tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông của khu vực này. Trong bối cảnh một số quốc gia Đông Nam Á đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, thì đây không hẳn là một trường hợp lựa chọn xem nên đứng về bên nào.

Chính chủ nghĩa thực dụng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục thúc đẩy các quốc gia trong khu vực phản ứng với quá trình chia tách công nghệ tiềm tàng. Đồng thời, ý định của Trung Quốc trong việc tiếp tục thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau thông qua DSR là rất rõ ràng.

Hiện nay, khả năng Mỹ có thể vượt ra ngoài các hành động phòng thủ để kiềm chế Trung Quốc và chủ động áp dụng một chiến lược bao quát hơn, trong khi vẫn không xa lánh các nước nằm ngoài liên minh dân chủ công nghệ, vẫn là điều cần theo dõi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục