Thái Lan buộc phải bán tháo gạo để trả tiền cho nông dân

Thái Lan đang bán ra một số lượng lớn gạo và có thể phải chịu lỗ vì giá bán ra thấp hơn so với mức giá mà Bangkok phải trả để mua gạo từ nông dân.

Chính phủ Thái Lan đang bán ra một số lượng lớn gạo từ kho dự trữ quốc gia cho các doanh nghiệp xuất khẩu và có thể phải chịu lỗ lớn vì giá bán ra thấp hơn so với mức giá mà Bangkok phải trả để mua gạo từ nông dân theo chương trình trợ giá lúa gạo.

Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Niwatthamrong Boonsongphaisan nói: “Số gạo bán có tổng giá trị khoảng 9 tỷ baht (277 triệu USD) và chúng tôi có ý định bán thêm gạo để lấy tiền trả cho nông dân.”

Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu bán được 517.000 tấn gạo trong phiên đấu giá được tổ chức tuần trước.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Niwatthamrong, họ đã bán ra tới 730.000 tấn gạo, trong đó 180.000 tấn gạo đã được bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong phiên đấu giá đó và 550.000 tấn gạo còn lại được bán trực tiếp cho các doanh nghiệp xuất khẩu đã có hợp đồng xuất khẩu và đang tìm kiếm nguồn hàng để hoàn thành hợp đồng.

Theo tính toán của hãng tin Reuters, trên cơ sở số lượng gạo mà Chính phủ Thái Lan bán ra và số tiền mà họ thu về, giá bán gạo trung bình của Thái Lan chỉ ở mức 12.300 baht/tấn (380USD), thấp hơn nhiều so với mức giá mà họ đã mua vào để tích trữ, ước khoảng 24.000 baht/tấn.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) Charoen Laothammatas cho rằng giá bán gạo của Chính phủ vào khoảng 10.000 baht/tấn, thấp hơn giá thị trường bởi vì, “không doanh nghiệp nào mua gạo từ Chính phủ với giá ngang bằng giá thị trường để sau đó bán lại ở mức giá đó.”

Theo Reuters, việc Thái Lan bán tháo gạo sẽ làm tăng áp lực giảm giá trên thị trường.

Liên quan tới chương trình trợ giá lúa gạo, theo Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Lan (BAAC) - đơn vị được giao quản lý chương trình này, hiện tại, Chính phủ còn nợ của nông dân khoảng 119 tỷ baht./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.