Theo South China Morning Post ngày 21/8, Thái Lan đang củng cố vị thế là nhà cung cấp sầu riêng hàng đầu cho Trung Quốc.
Trong quý 2 năm 2024, lượng sầu riêng tươi từ Thái Lan sang Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới - đã phục hồi sau khi giảm vào đầu năm nay.
Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này là do vụ thu hoạch theo mùa tăng đột biến, bên cạnh việc sầu riêng Thái Lan vẫn giữ được uy tín lâu năm về chất lượng.
Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan vào nước này đạt gần 2,67 tỷ USD, chiếm 75% tổng lượng trái cây nhập khẩu. Con số này cải thiện đáng kể so với mức 42,5% được ghi nhận trong quý 1.
Ngoài ra, Thái Lan chiếm 68% thị phần nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc trong cả năm 2023. Việt Nam, đối thủ cạnh tranh chính của Thái Lan về mặt hàng này, đã cung cấp gần như toàn bộ các lô hàng còn lại trong quý 2.
Sầu riêng Việt Nam có giá cạnh tranh hơn sầu riêng Thái Lan tại Trung Quốc do chi phí vận chuyển thấp hơn nhờ sử dụng đường vận chuyển qua biên giới đất liền.
Theo nhà kinh tế Liang Yan tại Đại học Willamette ở bang Oregon của Mỹ, Thái Lan từ lâu đã có “lợi thế đi trước” đối với thị trường tiêu dùng Trung Quốc.
Theo các nhà quan sát, quý 2 hàng năm đánh dấu mùa thu hoạch chính của sầu riêng Thái Lan, đồng thời, sự nhất quán về hương vị và nhận diện thương hiệu của sầu riêng Thái Lan mang lại sức hấp dẫn.
Chuyên gia Lim Chin Khee, cố vấn của Durian Academy - tổ chức đào tạo người trồng sầu riêng Malaysia - cho biết: “Thị phần tăng của Thái Lan trong quý 2 chủ yếu là do sản lượng sầu riêng Thái Lan đạt đỉnh theo mùa, mạng lưới thương mại mạnh mẽ và đã được thiết lập, cũng như sở thích của người tiêu dùng đối với sầu riêng Thái Lan trong thời gian này.”
Trung Quốc là nước mua sầu riêng lớn nhất thế giới với tổng lượng nhập khẩu đạt 1,4 triệu tấn vào năm ngoái.
Sầu riêng được nhiều người tiêu dùng mệnh danh là “vua trái cây” và được dùng làm quà tặng để kỷ niệm những dịp đặc biệt như đám cưới.
Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tự trồng sầu riêng trên đảo nhiệt đới Hải Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu, với quy mô sản xuất và trình độ phát triển hiện tại không thể sánh kịp với các nước khác ở Đông Nam Á.
Theo chuyên gia Song Seng Wun - cố vấn kinh tế tại công ty dịch vụ tài chính CGS có trụ sở tại Singapore, sầu riêng Thái Lan vẫn được ưa chuộng ở Trung Quốc phần lớn là do hương vị hiếm khi thay đổi, mặc dù loại trái cây này không có nhiều hương vị đa dạng.
Cố vấn Lim cho biết thêm vào tháng Sáu, sau một nỗ lực vận động hành lang kéo dài, Malaysia cuối cùng đã được chấp thuận xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc.
Đây là một chiến thắng “muộn màng” để nước này có thể cạnh tranh ở thị trường sầu riêng Trung Quốc. Mặc dù vậy, cố vấn Lim cũng tiết lộ rằng sầu riêng của Malaysia vẫn chưa có đủ nguồn cung.
Chuyên gia Song Seng Wun dự báo rằng sầu riêng Malaysia có thể sẽ đắt hơn của Thái Lan. Loại trái cây này hiện có thể có giá lên tới 200 nhân dân tệ (28 USD) một phần tại các chợ và cửa hàng tạp hóa Trung Quốc, nhưng sầu riêng Malaysia có nhiều hương vị hơn.
Ông Song Seng Wun đánh giá: “Thái Lan vẫn sẽ là nhà cung cấp sầu riêng chính hiện nay ở Trung Quốc khi xét đến khối lượng lô hàng. Malaysia sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu lớn như vậy.”./.
Mở đường cho xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc
Ngày 19/8, Việt Nam và Trung Quốc chính thức ký kết Nghị định thư về kiểm tra, kiểm định thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.