Thái Lan đưa ra các biện pháp hỗ trợ nông dân bình ổn giá gạo

Chính phủ Thái Lan đã dành riêng 70 tỷ baht (hơn 2,3 tỷ USD) để hỗ trợ giá thóc do vụ mùa sắp thu hoạch dự kiến sẽ làm tràn ngập thóc trên thị trường.
Thái Lan đưa ra các biện pháp hỗ trợ nông dân bình ổn giá gạo ảnh 1Gạo Thái Lan. (Nguồn: dhakatribune.com)

Chính phủ Thái Lan đã dành riêng 70 tỷ baht (hơn 2,3 tỷ USD) để hỗ trợ giá thóc do vụ mùa sắp thu hoạch dự kiến sẽ làm tràn ngập thóc trên thị trường.

Vụ trưởng Vụ Nội thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan Whichai Phochanakij được truyền thông sở tại ngày 25/11 dẫn lời cho biết, cuộc gặp của Tiểu ban xử lý chính sách và quản lý gạo quốc gia do Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit chủ trì trong tuần trước đã thông qua các kế hoạch hỗ trợ giá thóc với tổng ngân sách 70 tỷ baht.

Các chương trình này bao gồm kế hoạch cho vay dành cho những nông dân đồng ý lùi thời gian gặt lúa; kế hoạch cho vay dành cho các hợp tác xã nông nghiệp để thu hoạch thóc và đưa thêm giá trị vào gạo; các khoản cho vay ưu đãi dành cho nông dân, các cơ sở nông nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp cộng đồng để xây kho chứa gạo và lùi việc bán thóc để bình ổn giá gạo; và chương trình trợ cấp với lãi suất 3% dành cho thương nhân buôn gạo đồng ý lưu kho từ 2-6 tháng.

Kế hoạch cho vay dành cho nông dân đồng ý lùi thời điểm bán gạo sẽ tiêu tốn khoảng 10 tỷ baht, và kế hoạch cho vay dành cho các cơ sở nông nghiệp, kể cả các hợp tác xã nông nghiệp, để thu hoạch thóc và đưa giá trị gia tăng vào gạo sẽ tốn khoảng 15 tỷ baht.

[Chính phủ Thái Lan triển khai chương trình đảm bảo giá gạo từ tháng 10]

Trong kế hoạch cho vay dành cho nông dân đồng ý lùi thời điểm bán gạo, Chính phủ sẽ chi 1.500 baht/tấn mà không có giới hạn đối với những nông dân tự lưu kho.

Những nông dân để gạo tại cơ sở nông nghiệp sẽ được 500 baht/tấn, trong khi các cơ sở nông nghiệp sẽ nhận được 1.000 baht/tấn.

Nông dân cũng có thể nhận được 11.000 baht/tấn đối với gạo Hom Mali trồng ở các tỉnh Đông Bắc và một số tỉnh nhất định ở miền Bắc, 8.700 baht/tấn đối với gạo nếp và 9.900 baht/tấn đối với gạo Hom Mali trồng ở những khu vực khác, nếu họ đưa sản lượng của mình ra thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp theo kế hoạch lưu kho-thế chấp.

Các chương trình nói trên có hiệu lực ngay lập tức do Ủy ban Chính sách Lúa gạo Quốc gia do Thủ tướng làm chủ tịch đã phê chuẩn trên nguyên tắc.

Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp Thái Lan ước tính sản lượng thóc thường niên của nước này vào khoảng 24,5 triệu tấn trong 2019-2020, giảm 2,78% so với mức 25 triệu tấn của vụ trước.

Trong khi đó, trong bài xã luận đăng tải ngày 25/11, tờ Bangkok Post nhận định việc gạo Hom Mali của Thái Lan không giành lại được danh hiệu Gạo ngon nhất thế giới sau hai năm liên tiếp thất bại là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Chính phủ để bắt đầu thảo luận về sự phát triển của gạo Thái Lan một cách nghiêm túc.

Thái Lan đưa ra các biện pháp hỗ trợ nông dân bình ổn giá gạo ảnh 2Nông dân Thái Lan thu hoạch lúa trên cánh đồng ở tỉnh Nakhon Pathom. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đầu tháng này, loại gạo ST25 của Việt Nam đã được bình chọn là Gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị Lúa gạo Thế giới ở Manila, Philippines.

Năm ngoái, gạo Malys Angkor của Campuchia giành được danh hiệu cao quý này. 

Theo tờ báo, việc để mất danh hiệu không phản ánh sự suy giảm chất lượng của gạo Thái Lan. Tuy nhiên, điều này phản ánh việc thiếu nghiên cứu và phát triển hơn nữa các giống lúa Thái, nhất là khi đã có những cải thiện thực chất ở những nước láng giềng.

Báo Bangkok Post cũng đặt câu hỏi liệu ngành lúa gạo Thái Lan có thể dựa vào danh tiếng cũ trong bao lâu nữa mà không phát triển thêm trong lúc có sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse cho rằng nếu không đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D) để giúp cải thiện năng suất và đáp ứng nhu cầu chung, gạo Hom Mali của Thái Lan có thể sẽ biến khỏi các thị trường gạo thế giới trong vòng 5 năm nữa.

Tờ báo kết luận, với những thách thức như vậy, Chính phủ Thái Lan nên đặt việc phát triển lúa gạo là một vấn đề trong chương trình nghị sự quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.