Theo tờ Bangkok Post ngày 9/7, Văn phòng Tài nguyên Nước quốc gia Thái Lan (ONWR) đã cam kết hoàn tất Dự án phát triển nước sông Huai Luang, một kế hoạch sử dụng sông Mekong để tưới nước cho đất canh tác ở các tỉnh vùng Đông Bắc.
Dự án này là sự hồi sinh của kế hoạch thủy lợi Khong-Chi-Mun được khởi xướng cách đây 30 năm nhằm mở rộng việc tưới nước cho các khu vực khô hạn ở vùng Đông Bắc.
Theo dự án này, một loạt các đập, kênh đào thủy lợi và các trạm bơm sẽ được xây dựng dọc theo sông Mekong để "cấp nước" cho các sông ở địa phương. Một số phần của dự án này đã được thực hiện từ hai thập kỷ qua, nhưng quá trình xây dựng bị ngừng lại sau khi có những phản đối từ những người dân địa phương vì lo ngại tác động bất lợi đối với môi trường.
Hơn 20 năm sau, dự án này được khôi phục khi chính quyền quân sự thông qua khoản ngân sách 21 tỷ baht (khoảng 680 triệu USD) hồi tháng Tư vừa qua để cải thiện hệ thống thủy lợi trong lưu vực sông Huai Luang, bao gồm hai tỉnh Udon Thani và Nong Khai.
[Thúc đẩy cộng đồng vào quá trình quyết định quản trị nước sông Mekong]
Trong chuyến thăm tỉnh Nong Khai hồi tuần trước, Tổng thư ký ONWR Somkiat Prajamwong nói rằng nếu dự án Huai Luang thành công, các kế hoạch quản lý nước khác ở vùng Đông Bắc sẽ ít bị cộng đồng địa phương phản đối hơn vì họ có thể sẽ thấy những lợi ích.
Ông Somkiat cho biết dự án Huai Luang sẽ tăng diện tích đất canh tác trong khu vực khô hạn từ 15.000 rai (24km2) lên 300.000 rai (480km2), bao phủ 30.000 gia đình sinh sống tại 284 làng ở cả hai tỉnh.
Việc trang bị những máy bơm nước cỡ lớn là tâm điểm của kế hoạch này, vì địa hình không bằng phẳng của khu vực đòi hỏi phải bơm nước liên tục từ các vùng đất thấp để cấp nước cho các kênh đào ở những khu đất cao hơn.
Ông Somkiat cho biết cần đào khoảng 47km kênh đào và 15 cửa cống để kiểm soát dòng chảy. Toàn bộ dự án sẽ mất khoảng 10 năm để hoàn thành, nhưng bất kỳ đoạn nào hoàn tất đều có thể được sử dụng ngay.
Dự án Huai Luang là một trong chín "đại dự án" nhằm mục tiêu mở rộng mạng lưới thủy lợi trong vùng khô cằn. Hiện chỉ có khoảng 10% diện tích canh tác ở khu vực này đủ nước tưới.
Ông Somkiat cho biết sau dự án Huai Luang, ONWR sẽ thúc đẩy những kế hoạch khác để chuyển hướng nước từ sông Mekong nhằm cải thiện hệ thống thủy lợi, kể cả những dự án chứa nước ở hồ Nong Han Kamphawapi thuộc tỉnh Udon Thani và đập Lam Pao thuộc tỉnh Kalasin ở vùng Đông Bắc.
Theo Chainarong Setthachua, một giảng viên về quản lý môi trường tại Đại học Mahasarakham, ONWR cần chấp nhận thực tế rằng dự án trên được khởi xướng từ hơn 20 năm trước và hiện tình hình đã thay đổi đáng kể.
Các mực nước sông Mekong đang ngày càng khó dự đoán sau khi Trung Quốc và Lào bắt đầu xây dựng các con đập ở thượng nguồn. Ông Chainarong cảnh báo dự án này trên thực tế có thể làm trầm trọng hơn tình trạng lũ lụt ở vùng Đông Bắc. Ông đề nghị ONWR cung cấp thêm thông tin về một vài cộng đồng có thể phải đối mặt với việc tái định cư bắt buộc để nhường đất cho việc xây dựng các con kênh và trạm bơm nước.
Ông cũng cảnh báo rằng dự án này có thể gây ra các vấn đề như đất nhiễm mặn vì có những trầm tích muối đáng kể trong khu vực, có thể gây thiệt hại cho các hoạt động nông nghiệp.
Tháng Sáu vừa qua, nội các Thái Lan đã thông qua Kế hoạch tổng thể quản lý nguồn nước trong 20 năm tới nhằm giải quyết các vấn đề hạn hán, lũ lụt và nước thải vốn tồn tại lâu nay.
Tổng thư ký Somkiat cho biết kế hoạch trên là "trụ cột thứ ba trong 4 trụ cột" được hoạch định, bên cạnh Luật Nguồn nước 2018 có hiệu lực từ tháng 1/2019; ONWR - văn phòng mới được thành lập năm 2017 nhằm cơ cấu lại hơn 40 cơ quan chuyên trách về nước trong bảy bộ; và cuối cùng là việc đưa những ý tưởng và công nghệ mới vào giải quyết các vấn đề về nước.
Kế hoạch tổng thể quản lý nguồn nước của Thái Lan đặt mục tiêu cung cấp nước sạch cho hơn 75.000 làng vào năm 2030, giải quyết tình trạng lũ lụt và hạn hán tại 66 khu vực với diện tích 55.360km2, xây dựng hơn 541.000 đập nhỏ và khôi phục các vùng lưu vực với tổng diện tích 5.600km2.
Những mục tiêu này dựa trên sáu chiến lược, bao gồm quản lý việc sử dụng nước, an ninh sản xuất nước, kiểm soát ngập lụt, bảo tồn chất lượng nước, trồng rừng trong các vùng lưu vực, ngăn chặn xói mòn đất, và cách tiếp cận mang tính quản lý.
Kế hoạch tổng thể này, có hiệu lực cho đến năm 2037, sẽ đóng vai trò như một "bản đồ" cho ONWR. Theo ông Somkiat, nhiều dự án về nước đóng vai trò chủ chốt trong việc hạn chế thiệt hại về mùa màng do hạn hán và bảo vệ con người trước lũ lụt trầm trọng cũng sẽ nhận được thêm tài trợ đáng kể./.