Thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong

Hiện sông Mekong là một trong năm lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất do hạn hán, tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính.
Thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong ảnh 1Hiện trên dòng chính sông Mekong đã có 19 đập thủy điện nằm trong kế hoạch xây dựng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ ba từ ngày 4-5/4 tại Siem Reap, Campuchia.

Quản lý và phát triển lưu vực sông Mekong

Sông Mekong dài khoảng 4.800km chảy qua sáu nước là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Về lượng nước, Trung Quốc đóng góp khoảng 15-18%, Lào khoảng 35%, Thái Lan khoảng 18%, Campuchia khoảng 20% và Việt Nam khoảng 11%.

Diện tích của lưu vực sông Mekong của bốn nước hạ lưu khoảng 795.000km2 với khoảng 65 triệu dân của trên 100 dân tộc và có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế của các nước ven sông.

Đối với Việt Nam, sông Mekong có một vai trò đặc biệt, nuôi dưỡng hai vùng kinh tế trọng điểm là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, với gần 60% tổng lượng dòng chảy hàng năm của Việt Nam và khoảng 23% tổng dân số Việt Nam.

Tuy nhiên, lưu vực sông Mekong hiện đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn liên quan đến vấn đề nguồn nước như tình trạng ngập mặn và những tác động khác của biến đổi khí hậu. Hiện sông Mekong là một trong năm lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất do hạn hán, tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính.

[Thủy điện Pắc-Beng trên sông Mekong và nguy cơ gây thiếu nước ở ĐBSCL]

Ủy ban sông Mekong quốc tế đã được thành lập từ 1956 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc để điều phối tài trợ và quản lý tài nguyên trong lưu vực. Đến 1995, bốn nước (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) đã ký Hiệp định hợp tác Mekong 1995 và thành lập Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC). Hiệp định này là cơ sở pháp lý duy nhất trong vùng nhằm quản lý và phát triển lưu vực sông Mekong.

Hiệp định còn tiến xa hơn các văn kiện của các tổ chức lưu vực sông quốc tế khác về các quy định cụ thể và chặt chẽ về quy chế sử dụng nước, trong đó có năm bộ Thủ tục quy định về đảm bảo dòng chảy mùa khô; số lượng nước; chất lượng nước, thông báo, tham vấn trước khi xây dựng các công trình dòng chính Mekong.

Ủy hội sông Mekong hiện đang triển khai Kế hoạch Chiến lược chu kỳ 5 (2016-2020) gồm bảy kết quả chính và hơn 190 hoạt động với tổng kinh phí ước tính khoảng 60 triệu USD. Mục tiêu của Kế hoạch Chiến lược là nhằm thực hiện các ưu tiên của Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước, tiếp tục thực hiện chuyển giao các chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông về cho quốc gia và các hoạt động của cải tổ Ban Thư ký Ủy hội.

Từ năm 2010, Ủy hội đã quyết định tổ chức Hội nghị Cấp cao bốn năm một lần. Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của Ủy hội sông Mekong được tổ chức tại Hủa Hỉn, Thái Lan. Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 của Ủy hội sông Mekong được tổ chức vào tháng 4/2014, tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Hội nghị Cấp cao lần thứ 3 sẽ được tổ chức vào tháng 4/2018 tại Siem Reap, Campuchia.

Sau hơn 20 năm thành lập, Ủy hội sông Mekong đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy hợp tác lưu vực như xây dựng các quy chế sử dụng nước, quản lý môi trường, nghề cá, liên kết giao thông thủy, mở rộng hợp tác với các đối tác trong và ngoài khu vực.

Nỗ lực phát triển bền vững nguồn nước sông Mekong

Việt Nam đã tích cực tham gia hợp tác tại các tổ chức khu vực, quốc tế về nguồn nước cũng như tăng cường hợp tác Mekong với các đối tác như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á...

Tháng 4/2014, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đã đăng cai Hội nghị Cấp cao lần thứ hai của Ủy hội sông Mekong với chủ đề “An ninh nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu của Lưu vực sông Mekong.”

Trong năm 2015, tại Hà Nội, Việt Nam đã tổ chức: phiên thảo luận về an ninh nguồn nước trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) 132; Hội thảo quốc tế trong khuôn khổ ASEM với chủ đề “Phối hợp hành động trong quản lý nguồn nước nhằm định hình Chương trình nghị sự sau 2015” tại Bến Tre.

[Thủ tướng sẽ dự hội nghị cấp cao ủy hội sông Mekong quốc tế lần 3]

Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực, chủ động tham gia và thúc đẩy nội dung về bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước trong các cơ chế hợp tác khu vực liên quan. Trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Lan Thương, Việt Nam chủ động đưa nội dung hợp tác về nguồn nước thành một trong những lĩnh vực ưu tiên tại cơ chế hợp tác này; tích cực thúc đẩy hoạt động của Nhóm công tác nguồn nước và việc thành lập Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Mekong-Lan Thương tại Trung Quốc. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan đã và đang tham gia tích cực với Nhóm công tác về nguồn nước để trao đổi, đối thoại với Trung Quốc về hợp tác phát triển bền vững sông Mekong-Lan Thương.

Trao đổi về các dự án thủy điện dòng chính Mekong, là quốc gia hạ lưu, Việt Nam đã yêu cầu các quốc gia thượng lưu tuân thủ các quy định của Hiệp định Mekong và các văn bản liên quan. Trong khuôn khổ Ủy hội sông Mekong, Việt Nam đã phối hợp với các nước thành viên thúc đẩy để lần đầu tiên Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mekong ra được Tuyên bố về quá trình Tham vấn trước đối với dự án thủy điện Pakbeng (Lào).

Tuyên bố với nội dung chính là kêu gọi Chính phủ Lào xử lý các tác động xuyên biên giới của Dự án và nhất trí xây dựng một Kế hoạch hành động chung. Việt Nam đã chủ động phối hợp triển khai các nghiên cứu đánh giá tác động của thủy điện dòng chính như nghiên cứu của Ủy ban sông Mekong Việt Nam (có mời chuyên gia của Lào và Campuchia tham gia) có tên là “Nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện dòng chính Mekong đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu long” đã hoàn thành cuối 2015; nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong có tên là "Nghiên cứu chung về phát triển và quản lý bền vững lưu vực sông Mekong, bao gồm cả các tác động của thủy điện dòng chính" hoàn thành vào cuối năm 2017.

Việt Nam là thành viên thứ 35 tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới vì các mục đích phi giao thông thủy năm 1997, Công ước chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2014. Việc tham gia của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá rất cao. Đến nay Công ước đã có 36 thành viên tham gia, trong Ủy hội sông Mekong, Việt Nam là nước đầu tiên tham gia Công ước. Hiện Việt Nam đang tích cực vận động các thành viên ASEAN và các nước khác xem xét tham gia Công ước, qua đó góp phần tăng cường các cơ chế pháp lý, tạo thuận lợi cho việc quản lý và phát triển bền vững nguồn nước sông Mekong.

Về hợp tác Mekong, các nước đối tác luôn có vai trò quan trọng trong nhiều thập kỷ qua. Hiện nay Ủy hội sông Mekong có 14 đối tác phát triển và đang tích cực thúc đẩy rộng hợp tác liên lưu vực sông, trong đó có sông Hằng (qua năm nước châu Á: Ấn Độ, Trung Quốc, Nepal, Buhtan và Bangladesh), sông Danube (qua 10 nước châu Âu: Đức, Áo, Hungary, Slovakia, Croatia, Serbia, Bulgaria, Moldova, Ukraine, Romania), sông Nile (qua bốn nước bắc Phi: Uganda, Ethiopia, Ai Cập, Sudan), sông Amazone (qua tám nước Nam Mỹ: Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuado Guyana, Peru, Surriname, Venezuela) và sông Mississippi (Canada, Hoa Kỳ). Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác với các đối tác này.

Trong bối cảnh Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ ba nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XII, thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác trong và ngoài khu vực.

Việc Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ ba khẳng định sự quan tâm và cam kết của Việt Nam đối với hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội sông Mekong trên tinh thần Hiệp định Mekong 1995, góp phần tăng cường vai trò của Ủy hội cũng như sự đoàn kết, hợp tác giữa các nước thành viên vì lợi ích chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục