Thái tử Na Uy đề cao quan hệ hợp tác Na Uy-Việt Nam

Thái tử Vương quốc Na Uy cho biết chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của ông nhằm tăng cường quan hệ song phương giữa hai bên.

Trước thềm chuyến thăm chính thức của Thái tử Vương quốc Na Uy Haakon và Công nương Mette-Marit đến Việt Nam từ ngày 18-21/3/2014, Thái tử đã dành cho phóng viên Thông tấn xã Việt Nam một buổi phỏng vấn tại Hoàng cung ở thủ đô Oslo.

- Trước hết, xin Thái tử cho biết đánh giá của ông về quan hệ song phương Na Uy-Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971 đến nay?

Thái tử Haakon: Công nương Mette-Marit và tôi rất mong đợi chuyến thăm lần đầu tiên đến Việt Nam này. Chúng tôi có một chương trình dày đặc với nhiều hoạt động trong chuyến thăm. Điều này thể hiện mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa Việt Nam và Na Uy. Mối quan hệ giữa hai nước đã trải qua hơn 40 năm và đang phát triển mạnh mẽ. Những lợi ích của giới doanh nghiệp Na Uy đã chứng tỏ một điều rằng Việt Nam là quốc gia quan trọng đối với Na Uy.

Đoàn doanh nghiệp lần này của chúng tôi sang thăm Việt Nam gồm hơn 80 doanh nhân. Như vậy, tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước là một phần quan trọng giúp thúc đẩy quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực như thủy điện, hàng hải, ngư nghiệp, thủy sản, nghiên cứu và sản xuất vắcxin cho cá, đóng tàu, và cả trong những lĩnh vực khác như thương mại, du lịch, công nghiệp dầu khí, truyền thông...

- Để phát huy tiềm năng trong quan hệ giữa hai nước, đoàn đại biểu Na Uy sang thăm Việt Nam lần này sẽ tập trung vào những lĩnh vực hợp tác nào, và hướng tới mục tiêu cụ thể gì, thưa Thái tử?

Thái tử Haakon: Chuyến thăm lần này của đoàn đại biểu Na Uy sẽ tập trung vào ba nội dung chính. Thứ nhất là tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam và Na Uy. Tôi rất vui vì sẽ được gặp các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Thứ hai là về văn hóa. Tôi may mắn sẽ được thăm quan những di tích tiêu biểu cho nền văn hóa giàu truyền thống của Việt Nam, và tôi rất mong muốn điều đó. Thứ ba là về thương mại. Chúng tôi sẽ tổ chức một số hội thảo đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau nhằm tìm kiếm giải pháp tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong tương lai.

- Một trong những điểm tương đồng quan trọng giữa Na Uy và Việt Nam là cả hai nước đều có bờ biển dài với tiềm năng biển lớn. Là một quốc gia có nền công nghiệp dầu khí, đóng tàu và vận tải biển cũng như đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản phát triển, Na Uy sẽ triển khai những giải pháp gì nhằm phát huy lợi thế này trong hợp tác và hỗ trợ Việt Nam?

Thái tử Haakon: Tôi cho rằng chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau. Chúng tôi cũng muốn học hỏi Việt Nam. Tôi hy vọng rằng mối quan hệ hợp tác sẽ phát triển từ cả hai phía, trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Và một trong những nội dung quan trọng đó là quá trình đàm phán về hiệp định mậu dịch tự do giữa Việt Nam với các nước Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). Tôi hy vọng tiến trình đàm phán có thể kết thúc trong năm nay 2014. Hiệp định này khi được ký kết sẽ tạo ra một khuôn khổ rất hữu ích để chúng ta tăng cường hợp tác. Như vậy, tôi nghĩ rằng hai nước có nhiều cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ.

- Trong chuyến thăm đến Việt Nam năm 2004, Nhà vua Harald Đệ ngũ và Hoàng hậu Sonja của Na Uy đã rất thích thú khi thưởng thức dân ca Quan họ Bắc Ninh ở Văn Miếu. Thưa Thái tử, ông có nghĩ rằng giữa hai nước có những nét tương đồng và giao thoa về văn hóa không?

Thái tử Haakon: Tôi cho rằng giữa hai nước chúng ta có nhiều điểm tương đồng. Nhà vua và Hoàng hậu của chúng tôi kể nhiều về chuyến thăm Việt Nam mười năm trước. Điều này càng khiến chúng tôi tin tưởng rằng chuyến thăm sắp tới sẽ gặt hái thành công hơn nữa. Văn hóa là một trong những nội dung chương trình chuyến thăm.

Khoảng 20.000 người gốc Việt hiện đang sinh sống ở Na Uy. Phần lớn họ đã có hộ chiếu của Na Uy. Họ vẫn giữ mối liên hệ mật thiết với quê hương đất nước.

Bên cạnh đó, có nhiều lĩnh vực chúng ta có thể hợp tác như đối thoại về nhân quyền, hợp tác kỹ thuật, xây dựng nguồn lực, và các vấn đề quốc tế khác. Một số vấn đề quốc tế như bảo vệ môi trường đều quan trọng đối với cả hai nước, hoặc chúng ta cũng có thể hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ví dụ như sáng kiến "Một Liên hợp quốc."

Theo sáng kiến này, Liên hợp quốc sẽ triển khai và thống nhất hoạt động trong một thực thể chung tại các nước. Việt Nam là một trong các nước đang thí điểm mô hình "Một Liên hợp quốc." Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực như môi trường, biến đổi khí hậu hay xóa đói giảm nghèo nhằm thúc đẩy mối quan hệ.

- Nhân chuyến thăm quan trọng này, Thái tử có thông điệp gì của Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Na Uy gửi đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam?


Thái tử Haakon: Một lần nữa, tôi xin cảm ơn lời mời từ phía Việt Nam. Chúng tôi rất mong đợi chuyến thăm này để tìm hiểu thêm về Việt Nam, cả về lịch sử giàu truyền thống cũng như các lĩnh vực hợp tác và thương mại giữa hai nước. Nhiều nội dung sẽ được đề cập đến, và tôi cho rằng chuyến thăm sẽ thành công tốt đẹp. Chúng tôi rất mong đợi điều này.

- Xin chân thành cảm ơn Thái tử./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.