Thẩm định Dự án Đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú giai đoạn 1

Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1045/QĐ-TTg và nằm trong tổng thể hệ thống đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương.

Phiên họp Hội đồng Thẩm định liên ngành Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú (giai đoạn 1), ngày 4/3. (Ảnh: Vietnam+)
Phiên họp Hội đồng Thẩm định liên ngành Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú (giai đoạn 1), ngày 4/3. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 4/3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chủ trì Hội đồng thẩm định Phiên họp Hội đồng Thẩm định liên ngành Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú (giai đoạn 1), theo phương thức đối tác công tư.

Ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án cơ bản đã thể hiện được các nội dung phù hợp với chủ trương đầu tư Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1045/QĐ-TTg ngày 6/9/2022. Dự án nằm trong tổng thể hệ thống đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương.

Vị trí các nút sẽ giao liên thông với các đường quốc lộ và trục chính trong khu vực, từ đó kết nối các trung tâm hành chính và các khu công nghiệp trong khu vực. Cao tốc Dầu Giây-Tân Phú cũng là trục quan trọng kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên. Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh là 4 làn xe cao tốc và quy mô phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe dải dừng xe khẩn cấp không liên tục, được thiết kế với vận tốc 100 km/giờ.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đã cho ý kiến cụ thể vào từng nội dung, như sự phù hợp của báo cáo Nghiên cứu khả thi đối với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương...

Trên cơ sở các ý kiến, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần rà soát, bố cục thành phần nội dung hồ sơ và chuẩn xác số liệu cũng như rà soát lược bỏ các căn cứ pháp luật đã hết hiệu lực và bổ sung thêm các căn cứ pháp lý, các Thông tư hướng dẫn (chi tiết theo ngành, lĩnh vực, thực hiện đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…). Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Hội đồng và hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền theo quy định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.