Hầu hết ý kiến được các chuyên gia nhấn mạnh tại buổi tọa đàm về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 20/3 là việc hội nhập không chỉ giúp doanh nghiệp tái cơ cấu lại sản xuất kinh doanh mà quan trọng hơn là thể chế kinh tế cũng được hoàn thiện.
Cơ hội chiến thắng được chia đều
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, việc mở cửa nền kinh tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu, đơn cử khi tham gia Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ trở thành một thành tố của chuỗi giá trị toàn cầu. Đáng lưu ý, cơ hội để tái cơ cấu xuất nhập khẩu cũng thuận lợi hơn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.
Ngoài ra, các FTA mới hiện nay còn có tác động rất quan trọng là giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Không những thế, các FTA mới sẽ giúp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm của các công chức nhà nước.
Tính đến hết năm 2014, Việt Nam đã tham gia 8 hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA), trong đó có 6 FTA khu vực (ASEAN, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Australia-New Zealand, ASEAN-Ấn Độ) và 2 FTA song phương (VJEPA với Nhật Bản và FTA Việt Nam-Chile).
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, không nên quá lo ngại việc một loạt các FTA ký kết thời gian qua sẽ làm cho chính sách về kinh tế bị phân mảnh, bởi lẽ Việt Nam có nguyên tắc đàm phán để đạt được lợi ích gì? chấp nhận tới đâu và lộ trình thế nào.
"Quan trọng hơn là khi tham gia các FTA sẽ tạo ra lực đẩy cùng chiều với việc cải cách kinh tế trong nước và đặc biệt là Việt Nam đưa ra yêu cầu là phải kiểm soát được việc hội nhập," thứ trưởng nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm trên, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù năng lực cạnh tranh còn thấp và phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên khi tham gia một cuộc chơi lớn rất dễ bị tổn thương.
Tuy vậy, theo vị chuyên gia này, nếu đi vào từng thị trường ngách, cơ hội chiến thắng sẽ được chia đều và xét về tổng thể thì việc hội nhập là cách tốt nhất để doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Không hội nhập sâu, sẽ hết cơ hội"
Có thể thấy, thực trạng của xuất khẩu hiện nay là hàm lượng giá trị gia tăng còn thấp, do vậy rất dễ bị các nước khác thế chân, nhưng với các FTA mới việc gia tăng qui tắc xuất xứ sẽ giúp doanh nghiệp điều chỉnh lại hoạt động của mình.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc tham gia các Hiệp định thương mại (FTA) đã có tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu, giúp giảm dần việc nhập siêu. Đơn cử, trước khi có hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ tăng bình quân 6%/năm, nhưng sau khi hiệp định được ký kết, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đã tăng lên mức 38%/năm.
Đáng chú ý, với ngành dệt may, chỉ sau 5 năm gia nhập tổ chức thương mại quốc tế (WTO) thị phần dệt may của Việt Nam tại Mỹ đã tăng từ 5% lên 37%, chủ yếu là lấy được thị phần của Trung Quốc.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, các FTA là cơ hội để thực hiện tiến trình tái cơ cấu sản xuất kinh doanh do vậy nếu không mở cửa và hội nhập sâu sẽ hết cơ hội để mở rộng thị trường.
"Riêng ngành dệt may có 6.000-7.000 doanh nghiệp, cuộc chiến có thắng có bại nhưng đó là quy luật thị trường và là quá trình sàng lọc, sắp xếp lại cơ cấu kinh tế qua đó có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu một cách vững chắc hơn," ông Lê Tiến Trường nói./.