Thảm họa thiên tai khiến kinh tế thế giới thiệt hại 2.250 tỷ USD

UNISDR cho biết thiệt hại kinh tế từ những thảm họa liên quan đến khí hậu đã lên tới con số khổng lồ: 2.250 tỷ USD trong hơn hai thập niên qua, tăng hơn 250% so với giai đoạn 20 năm trước đó.
Thảm họa thiên tai khiến kinh tế thế giới thiệt hại 2.250 tỷ USD ảnh 1 Ngập lụt do mưa lớn tại huyện Chiayi, miền Trung Đài Loan (Trung Quốc) ngày 24/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Văn phòng Liên hợp quốc về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai (UNISDR) cho biết thiệt hại kinh tế từ những thảm họa liên quan đến khí hậu đã lên tới 2.250 tỷ USD trong hơn hai thập niên qua, tăng hơn 250% so với giai đoạn 20 năm trước đó.

Theo báo cáo do Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học của thiên tai (CRED) thuộc trường đại học Catholique de Louvain ở Bỉ và UNISDR thực hiện, trong giai đoạn 1978-1997, tổng thiệt hại từ những thảm họa liên quan đến khí hậu chỉ ở mức 895 tỷ USD (780 tỷ euro).

Tuy nhiên, trong thời gian từ năm 1998-2017, con số này đã chạm mức 2.250 tỷ USD, trong đó điểm tên Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ là các quốc gia hứng chịu thiệt hại kinh tế nhiều nhất.

[Các nước trên thế giới chỉ còn cơ hội rất mong manh để cứu Trái Đất]

UNISDR cũng lưu ý rằng biến đối khí hậu đang làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các kiểu thời tiết khắc nghiệt như sóng thần, lũ lụt và bão tố.

Báo cáo trên được công bố khi cơn bão Michael, đã mạnh lên thành cơn bão cấp 4 - mức “cực kỳ nguy hiểm,” bắt đầu đổ bộ vào khu vực ven biển bang Florida, miền Đông Nam nước Mỹ, gây ra những cơn sóng cao tới 4m.

Giới chức bang Florida cảnh báo bão Michael sẽ là cơn bão có sức tàn phá nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên qua tại bang này.

UNISDR đã thống kê số thảm họa liên quan đến khí hậu từ năm 1998 -2017 vào khoảng hơn 6.600, trong đó bão tố và lũ lụt diễn ra thường xuyên nhất.

Trước tình hình này, báo cáo trên nhấn mạnh việc đầu tư vào giảm thiểu rủi ro thiên tai phải trở thành một phần trọng tâm trong việc hoạch định chính sách nhằm phản ứng với biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.