Thâm hụt thương mại của Mexico trong năm 2015 tăng hơn 407%

Viện Thống kê và Địa lý Quốc gia Mexico (INEGI) cho biết mức thâm hụt thương mại của nền kinh tế thứ hai Mỹ Latinh này trong năm qua đã lên tới gần 14,5 tỷ USD do giá dầu thô sụt giảm mạnh.
Thâm hụt thương mại của Mexico trong năm 2015 tăng hơn 407% ảnh 1Công nhân Mexico đang làm việc trong một nhà máy. (Nguồn: www.wsj.com)

Ngày 27/1, Viện Thống kê và Địa lý Quốc gia Mexico (INEGI) cho biết mức thâm hụt thương mại của nền kinh tế thứ hai Mỹ Latinh này trong năm qua đã lên tới gần 14,5 tỷ USD - tăng hơn 407% so với con số gần 3 tỷ USD của năm 2014 và là mức cao nhất kể từ 1994 tới nay.

Theo INEGI, giá dầu thô sụt giảm mạnh trong cả năm 2015 là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên. Sau 38 năm liên tục đóng góp lớn vào ngân sách quốc gia nhờ xuất khẩu, trong năm 2015, Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Mexico (PEMEX) đã bị thâm hụt gần 9 tỷ USD, chiếm tới 68% tổng thâm hụt thương mại toàn quốc, đồng thời chính thức mất chức năng “tự cung tự cấp."

Theo đánh giá của INEGI, giá trị của đồng nội tệ peso giảm 17% trong năm qua không ảnh hưởng tới tình hình xuất nhập khẩu của Mexico. Tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm 2015 là gần 381 tỷ USD, giảm hơn 4% so với năm 2014; riêng xuất khẩu hàng chế tạo giảm tới hơn 6% trong tháng 12/2015.

Tổng kim ngạch nhập khẩu của Mexico trong năm qua là trên 395 tỷ USD, giảm hơn 1% so với năm 2014. Tính riêng trong tháng 12/2015, tỷ lệ này giảm xấp xỉ 6% so với cùng kỳ năm trước đó.

Trong một phát biểu liên quan, ngày 27/1, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal đã bác bỏ tin đồn về một cuộc khủng hoảng cơ cấu kinh tế ở nước này do giá dầu thô sụt giảm mạnh.

Theo ông Villarreal, việc mức thuế tăng cao, nhu cầu trong nước và lượng đầu tư tư nhân khá cao tiếp tục là những yếu tố vững chắc giúp nền kinh tế Mexico tăng trưởng cho dù giá dầu thô giảm mạnh và gây tâm lý lo lắng. Bộ trưởng Villarreal cho rằng không có bất cứ nguy cơ nào về một cuộc khủng hoảng cơ cấu kinh tế tại Mexico./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.