Thâm hụt thương mại của Vương quốc Anh tiếp tục nới rộng

Cán cân thương mại của Vương quốc Anh vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện khi thâm hụt thương mại của nước này tiếp tục nới rộng trong tháng Năm vừa qua.
Thâm hụt thương mại của Vương quốc Anh tiếp tục nới rộng ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: telegraph.co.uk)

Cán cân thương mại của Vương quốc Anh vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện khi thâm hụt thương mại của nước này tiếp tục nới rộng trong tháng Năm vừa qua.

Điều này càng làm dấy lên lo ngại rằng đồng bảng Anh tăng giá sẽ tiếp tục cản trở những nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu của nước này.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS) ngày 10/7 cho biết, thâm hụt thương mại của nước này trong tháng Năm là 2,4 tỷ bảng (khoảng 4,08 tỷ USD), cao hơn so với mức 2,1 tỷ bảng (3,57 tỷ USD) trong tháng Tư.

Trong đó, thương mại hàng hóa có mức thâm hụt 9,2 tỷ bảng (15,64 tỷ USD) và thương mại dịch vụ có mức thặng dư 6,8 tỷ bảng (11,56 tỷ USD).

Theo ONS, trong tháng Năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Anh đạt 24,1 tỷ bảng (40,97 tỷ USD), trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 33,3 tỷ bảng (56,61 tỷ USD).

Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) - đối tác thương mại lớn nhất của Anh, tiếp tục giảm sút, giảm 2% xuống 12,2 tỷ bảng (20,74 tỷ USD), trong khi nhập khẩu tăng 1,6% lên 17,4 tỷ bảng (29,58 tỷ USD).

Giới phân tích nhận định Chính phủ Anh đang gặp khó khăn trong việc tái cân bằng nền kinh tế theo hướng đẩy mạnh hoạt động chế tạo và xuất khẩu khi nhu cầu ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục giảm sút.

Ông Paul Hollingsworth, thuộc tập đoàn Capital Economics nhận định thâm hụt thương mại của Anh khó có thể được thu hẹp trong năm nay.

Trong bối cảnh xuất khẩu sang EU giảm sút, nhu cầu trong nước sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc duy trì sự phục hồi của nền kinh tế Anh.

Ông Martin Beck, cố vấn kinh tế cao cấp của hãng Ernst & Young (EY), cũng chia sẻ nhận định này khi cho rằng đồng bảng Anh tăng giá lên mức cao nhất so với USD trong vòng sáu năm qua và sự yếu kém của khu vực Eurozone sẽ là yếu tố hạn chế xuất khẩu tăng trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.