Theo phóng viên TTXVN tại Washington, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ trong tháng 5 vừa qua đã giảm nhiều hơn dự kiến do nhập khẩu giảm mạnh trong 6 tháng liên tiếp trước đó.
Dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố ngày 28/6 cho thấy thâm hụt thương mại hàng hóa của nước này trong tháng 5 vừa qua đã thu hẹp 6,1% xuống còn 91,1 tỷ USD.
Con số này chưa được điều chỉnh theo lạm phát và thấp hơn so với ước tính 93,7 tỷ USD của hãng tin Bloomberg.
Theo DOC, trong tháng 5, nhập khẩu của Mỹ giảm 2,7% xuống khoảng 254 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022. Trong khi đó, xuất khẩu giảm 0,6% xuống còn 162,8 tỷ USD, phản ánh sự sụt giảm xuất khẩu thực phẩm và vật tư công nghiệp.
Tuy thâm hụt thương mại thu hẹp trong năm 2022 là điểm mấu chốt thúc đẩy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của năm này, song các nhà kinh tế không kỳ vọng xuất khẩu ròng có thể hỗ trợ GDP lần nữa trong thời gian tới. Tốc độ tăng nhập khẩu sẽ phụ thuộc vào nhu cầu vẫn đang cao của người tiêu dùng và các doanh nghiệp.
[Kinh tế Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt khi lạm phát tăng chậm lại]
Trong khi đó, các nước đã giảm mua hàng hóa do Mỹ sản xuất trong những tháng gần đây do nền kinh tế toàn cầu hạ nhiệt vì chi phí đi vay cao hơn.
Trong tháng 5 vừa qua, xuất khẩu ôtô của Mỹ tăng 8,7% - cao nhất kể từ đầu năm - trong khi xuất khẩu hàng tiêu dùng tăng 4,3%; hàng tồn kho bán lẻ tăng 0,8% - cao nhất trong năm nay - lên 778,7 tỷ USD.
Hàng tồn kho tại các đại lý ôtô tăng 2,9% - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2022. Dự trữ tại các nhà bán buôn giảm 0,1% - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022.
Cùng ngày, Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho biết nợ công của nước này sẽ ở mức 181% GDP vào năm 2053. Tỷ lệ này giảm nhẹ so với các dự báo dài hạn gần đây của CBO do chính phủ Mỹ vừa ban hành giới hạn chi tiêu công như một phần của thỏa thuận về trần nợ công.
Theo CBO, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong 30 năm tới sẽ vượt xa mức trung bình 3,7% GDP của giai đoạn 1993-2022, dự kiến tăng lên 6,4% vào năm 2033 và 10% vào năm 2053.
CBO cho rằng tỷ lệ nợ công có sự cải thiện là nhờ việc giảm chi tiêu tổng thể theo trần chi tiêu công đã được ban hành cho các năm tài chính 2024 và 2025 như một phần của Đạo luật Trách nhiệm Tài chính năm 2023.
Đạo luật này đã được Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành vào ngày 3/6 vừa qua, theo đó đình chỉ áp dụng trần nợ công để gia hạn khoản vay và duy trì việc thanh toán các hóa đơn, qua đó tránh được tình trạng vỡ nợ có thể gây ra sự hoảng loạn trên thị trường, mất việc làm diện rộng và suy thoái kinh tế, với hệ lụy ở quy mô toàn cầu.
Cũng trong ngày 28/6, phát biểu tại Hội nghị chuyên đề chính sách hằng năm của Ngân hàng châu Âu tại Bồ Đào Nha, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã để ngỏ khả năng ngân hàng này sẽ tiếp tục tăng lãi suất, mặc dù các quan chức Fed trong tháng này đã quyết định tạm dừng lộ trình này.
Theo ông Powell, năm ngoái Fed đã nâng lãi suất quá nhanh nên không có đủ thời gian để xem xét đầy đủ các tác động của việc tăng lãi suất đối với giảm lạm phát và làm chậm lại các hoạt động của nền kinh tế.
Ông cũng nhấn mạnh việc ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ tăng lãi suất một lần nữa ngay trong tháng tới do thị trường lao động mạnh mẽ duy trì khả năng chi tiêu cao, có thể dẫn đến mức cầu cao./.