‘Tháng 5 để dành’: Màu sắc lạ của dòng phim học đường Việt Nam

Tạm rời xa kỷ nguyên công nghệ số và những khu phố thị hoa lệ, sầm uất, “Tháng 5 để dành” hứa hẹn mang lại làn gió mới cho dòng phim học đường Việt Nam.
Chất liệu của "Tháng 5 để dành" những kỷ niệm tuổi học trò giản dị, trong sáng mà thế hệ 8X từng trải qua. (Ảnh: ĐLP)
Chất liệu của "Tháng 5 để dành" những kỷ niệm tuổi học trò giản dị, trong sáng mà thế hệ 8X từng trải qua. (Ảnh: ĐLP)

Thay vì lựa chọn lối kể chuyện hiện đại, mang màu sắc trẻ trung, sôi nổi như nhiều bộ phim khai thác đề tài học đường thời gian gần đây, “Tháng 5 để dành” (đạo diễn Lê Hà Nguyên) giữ nguyên bầu không khí nhẹ nhàng, yên bình của thời áo trắng tinh khôi ở một vùng quê Bắc Bộ trong những năm đầu thế kỷ 21.

Từ chuyện "dậy sóng" cộng đồng mạng…

“Tháng 5 để dành” được chuyển thể từ truyện dài “Ranh giới” của tác giả Rain8X (Hoàng Trung Hiếu) từng gây bão cộng đồng Blog 360. “Ranh giới” đưa người đọc quay ngược thời gian trở về những năm cuối thế kỷ 20-đầu thế kỷ 21 với những câu chuyện đong đầy cảm xúc về tình cảm gia đình, tình bạn và tình yêu tuổi học trò.

[Cuộc đổ bộ của phim Việt hóa và những cú ngã… tiền tỷ]

Đặc biệt, mối tình thời áo trắng giữa hai nhân vật Trung Hiếu-Minh Ngọc trong “Ranh giới” được không ít bạn đọc thế hệ 8X coi là “huyền thoại.”

Tác giả Rain8X đã diễn tả chân thực nhưng không kém phần tinh tế những suy tư, sự tò mò, háo hức, rạo rực của một chàng trai khi mới biết yêu. Câu chuyện rất đời bởi nhân vật không chỉ sống với những mộng mơ, hoài bão của thời áo trắng mà còn phải đối diện, tìm cách vượt qua những cám dỗ của tuổi mới lớn.

‘Tháng 5 để dành’: Màu sắc lạ của dòng phim học đường Việt Nam ảnh 1Hai nhân vật chính của "Tháng 5 để dành." (Ảnh: ĐLP)

Mặc dù Trung Hiếu vẫn luôn sống hết mình, vui vẻ tận hưởng quãng thời gian thanh xuân bên cô bạn gái Minh Ngọc nhưng có một nỗi sợ vẫn luôn thường trực trong lòng cậu học trò cuối cấp: mùa Hè - mùa của sự chia ly sẽ sớm kéo tới và cuốn phăng đi tất cả. Bởi vậy, khi đưa“Ranh giới” lên màn ảnh rộng, đạo diễn Lê Hà Nguyên và êkíp sản xuất đã đặt tên cho bộ phim là “Tháng 5 để dành.”

… đến “một trời thuơng nhớ”

“Tháng 5 để dành” hứa hẹn mang lại làn gió mới cho dòng phim học đường Việt Nam.

Tạm rời xa kỷ nguyên công nghệ số và những khu phố thị hoa lệ, sầm uất, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Lê Hà Nguyên sẽ đưa khán giả trở về với không gian yên bình của một thị trấn nhỏ vùng trung du Bắc Bộ trong những năm cuối thập niên 1990s-đầu thập niên 2000s. Độ lùi thời gian không quá xa giúp người xem (đặc biệt là thế hệ 8X - những người từng trải qua tuổi học trò trong quãng thời gian ấy) cảm thấy gần gũi, dễ tiếp cận.

‘Tháng 5 để dành’: Màu sắc lạ của dòng phim học đường Việt Nam ảnh 2Phim đưa khán giả quay ngược thời gian, về những năm đầu thế kỷ 20. (Ảnh: ĐLP)

Đại diện êkíp sản xuất cho biết, “Tháng 5 để dành” sẽ mang đậm phong vị làng quê Bắc Bộ với những thước phim ghi lại khung cảnh con đường nông thôn dẫn qua ruộng lúa chín vàng, bãi cỏ xanh tươi trải dài dưới chân đồi hay hồ nước xanh biếc lọt thỏm giữa lòng núi…

Bên cạnh đó, “một trời thương nhớ” với thế hệ học trò 8X, 9X sẽ được gợi nhắc từ những hình ảnh, chi tiết gần gũi, thân quen như những tờ báo tường vụng về, những vần khờ khạo về chép trong trang vở hay chiếc đầu đọc đĩa CD…

Không chỉ dựng lại không khí lãng mạn, hồn nhiên dưới mái trường phổ thông, “Tháng 5 để dành” còn thẳng thắn đề cập, khai thác câu chuyện giới tính, những tò mò, hiếu kỳ về thế giới xung quanh.

‘Tháng 5 để dành’: Màu sắc lạ của dòng phim học đường Việt Nam ảnh 3Ký ức về thời áo trắng được gợi ra qua những chi tiết giản dị như cuộc thi báo tường quen thuộc. (Ảnh: ĐLP)

Câu chuyện tình yêu tuổi học trò giữa Trung Hiếu (một anh chàng mơ mộng) và Mai Ngọc (một cô nàng đa cảm) không chỉ có những bâng khuâng, thẹn thùng, ê ấp của tuổi mới lớn. Thêm vào đó, họ phải đối diện với không ít khó khăn, cám dỗ xuất phát từ bản năng, môi trường xung quanh (với văn hóa phẩm không lành mạnh…).

Học đường vốn là chủ đề chưa bao giờ cũ trong mắt các nhà làm phim. Với riêng điện ảnh Việt Nam, những năm gần đây, nhiều bộ phim khai thác đề tài này tạo được hiệu ứng tốt, được khán giả đón nhận tích cực: “Em chưa 18,” “Cô gái đến từ hôm qua”

“Em chưa 18” (đạo diễn Lê Thanh Sơn) tạo dấu ấn riêng với bối cảnh là một ngôi trường quốc tế mang đậm hơi hướng Âu Mỹ với cơ sở vật chất hiện đại và những nhân vật phóng khoáng, “nổi loạn.” Phim là câu chuyện tình yêu bất chấp khoảng cách tuổi tác của cô bé “chưa 18 tuổi” Linh Đan (Kaity Nguyễn) và chàng “trai hư” 35 tuổi tên Hoàng (Kiều Minh Tuấn). “Em chưa 18” mang đến cho người xem cảm giác mới lạ, thú vị với nhiều hình ảnh, chi tiết, lời thoại hiện đại, đậm chất phương Tây.

Mang màu sắc khác biệt so với “Em chưa 18,” “Cô gái đến từ hôm qua” khai thác bối cảnh học đường trong thập niên 1990s. Một trong những yếu tố quan trọng giúp bộ phim của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh “ghi điểm” với khán giả là phần âm thanh được chăm chút kỹ lưỡng: từ chương trình “Làn sóng xanh” đình đám một thời qua radio cho tới tiếng loa phường và những bản tin cũ được lồng ghép trong phim.

Thế giới nội tâm của nhân vật được diễn tả khéo léo qua những giai điệu lúc thì sôi nổi vui tươi, khi thì lắng đọng sâu sắc. Âm nhạc cũng là chất liệu kết nối mạch truyện, khơi gợi ký ức và cảm xúc của khán giả về một thời hoa mộng.

‘Tháng 5 để dành’: Màu sắc lạ của dòng phim học đường Việt Nam ảnh 4Cảnh trong phim "Tháng 5 để dành." (Ảnh: ĐLP)

Đạo diễn Lê Hà Nguyên cho hay, để tạo được dấu ấn, sức hút riêng cho “Tháng 5 để dành” giữa hàng loạt bộ phim khai thác đề tài học đường, tình yêu tuổi học trò của điện ảnh Việt Nam thời gian qua là một thách thức không hề nhỏ.

Đạo diễn trẻ chọn cho mình lối đi riêng: chinh phục khán giả bằng những ký ức thanh xuân trong veo, ngọt ngào, những kỷ niệm học đường bình dị, chân thực mà thế hệ 8X từng trải qua; để mỗi khán giả sẽ thấy thấp thoáng đâu đó trong “Tháng 5 để dành” câu chuyện, ký ức của chính mình.

Ngoài ra, “Tháng 5 để dành” cũng giới thiệu tới khán giả nhiều gương mặt mới của màn ảnh Việt: Minh Trang, Xuân Hùng, Đức Ngụy… Dự kiến, phim sẽ chính thức khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 24/5./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục